Theo Nafiqad, mới đây, Cơ quan thanh tra an toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã có văn bản gửi Nafiqad thông báo một số quy định liên quan tới việc xuất khẩu cá bộ Siluriformes vào Hoa Kỳ.

Cụ thể, trong thời gian chuyển tiếp, FSIS chỉ chấp thuận bổ sung các doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách các cơ sở chế biến cá bộ Silurifomes được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong trường hợp doanh nghiệp này đã từng xuất khẩu cá bộ Silurifomes vào thị trường này.

Đối với doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu, FSIS sẽ chỉ xem xét đưa vào danh sách sau khi hoàn thành đánh giá tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam đối với cá bộ Siluriformes.

Vì vậy, thời gian này Nafiqad đề nghị các doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu cá bộ Siluriformes vào Hoa Kỳ tạm ngừng việc đăng ký vào danh sách được phép xuất khẩu. Cập nhật mới nhất, Việt Nam có 57 cơ sở được phép xuất khẩu cá họ Siluriformes vào Hoa Kỳ.

Trước đó, theo đạo luật Farm Bill 2014 Hoa Kỳ, từ tháng 3/2016, cá da trơn thuộc bộ Siluriformes dù nuôi nội địa hay nhập khẩu đều sẽ chuyển việc kiểm soát từ FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, thuộc Bộ Y tế Hoa Kỳ) sang.

Như vậy, cá tra (kể cá ba sa) Việt Nam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải tuân thủ những yêu cầu và quy định rất nghiêm ngặt, mà theo FSIS, chỉ được nhập khẩu vào nếu chứng minh có sự tương đồng về nuôi tại Việt Nam với việc nuôi tại Hoa Kỳ.

Thời gian hiệu lực của đạo luật này là từ tháng 3/2016. Thời gian chuyển tiếp là 18 tháng (1/3/2016 đến 31/8/2017) nên đến tháng 9/2017 mới chính thức áp dụng triệt để các quy định của FSIS.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho biết thêm: Trong thời gian chuyển tiếp, các cơ sở tham gia vào hoạt động sơ chế, chế biến cá bộ Siluriformes để xuất khẩu vào Hoa Kỳ (từ khâu cắt tiết, phi lê, cấp đông, bao gói) đều phải có tên trong danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ được đăng tải trên website của FSIS.

Nafiqad đã có văn bản đề nghị FSIS không áp dụng quy định này và chỉ bắt buộc các cơ sở có thực hiện hoạt động chế biến cuối cùng trước khi xuất khẩu phải có tên trong danh sách của FSIS, còn đối với các doanh nghiệp sơ chế, cung cấp bán thành phẩm phải được Nafiqad kiểm tra, chứng nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trong thời gian chờ trả lời chính thức từ FSIS, Nafiqad đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá bộ Siluriformes vào Hoa Kỳ lưu ý chỉ thu mua bán thành phẩm cá bộ Siluriformes được sản xuất tại các cơ sở đã có tên trong danh sách của FSIS và được đăng tải trên website của FSIS.

Liên quan tới việc ghi nhãn cá bộ Siluriformes xuất khẩu vào Hoa Kỳ, theo ông Tiệp, mã số của cơ sở thực hiện hoạt động chế biến cuối cùng trước khi xuất khẩu phải được ghi trên chứng thư, bao bì bao gói trực tiếp và bao bì chứa/đựng.

Trong thời gian chuyển tiếp, FSIS chưa bắt buộc phải áp dụng quy định nêu trên, song FSIS đề nghị Nafiqad cần thông báo ngay tới các doanh nghiệp để thực hiện trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, tên của các doanh nghiệp làm chủ hàng hoặc cơ sở gia công, sơ chế bán thành phẩm có thể được ghi trên bao bì bao gói trực tiếp của sản phẩm, tuy nhiên không được ghi mã số trên bao bì bao gói trực tiếp. Vì vậy, Nafiqad đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các quy định liên quan của FSIS đã được Nafiqad hướng dẫn để lưu ý thực hiện.

Nguồn: chinhphu.vn