Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch
Theo Bộ KH&ĐT, Luật có 7 Chương, 77 Điều và 4 Phụ lục, được ban hành với mục tiêu tổng thể là nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, DN, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Luật đã bổ sung “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định tại các Phụ lục I, II, III về cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy; hóa chất, khoáng vật độc hại và động, thực vật hoang dã để phù hợp với tình hình thực tế.
Luật tiếp tục cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân, DN (gồm 22 ngành, nghề quy định tại Phụ lục IV).
Đồng thời, thể chế hóa Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về thu hút FDI, Luật đã quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận "chọn bỏ" (Điều 9).
Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, Luật đã sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhằm bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng theo Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, các Luật thuế và các Luật liên quan.
Trong đó, bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư như: áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án; nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, bổ sung quy định cho phép Thủ tướng Chính phủ áp dụng ưu đãi đặc biệt để tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay, cho phép áp dụng ưu đãi tối đa thêm 50% so với mức cao nhất theo quy định của Luật hiện hành.
Giám định vốn đầu tư để tránh trốn thuế
Luật quy định áp dụng thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư đối với các dự án xây dựng nhà ở và đô thị để tránh trùng lặp về thẩm quyền, thủ tục quyết định/chấp thuận đầu tư dự án nhà ở, đô thị theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật nhà ở, đô thị (điểm g khoản 1 Điều 31 và điểm b khoản 1 Điều 32).
Bãi bỏ quy định Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn từ 5 nghìn tỷ đồng trở lên và không áp dụng thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án của cá nhân, hộ gia đình…
Về quản lý nhà nước và bảo đảm an ninh, quốc phòng, Luật đã hoàn thiện, bổ sung các công cụ cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Cụ thể, xem xét các điều kiện an ninh, quốc phòng trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập DN, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp tại các DN ở đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc các khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng (khoản 3 Điều 5, điểm c khoản 2 Điều 26, điểm d khoản 1 Điều 32).
Luật cũng bổ sung quy định về giám định vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết để xác định căn cứ tính thuế, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá, trốn thuế (Điều 45).
Bổ sung quy định không gia hạn thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và dự án có điều kiện chuyển giao không bồi hoàn (khoản 4 Điều 44).
Đồng thời, Luật bổ sung quy định về chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch giả tạo về vốn nhằm tạo cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp đầu tư chui, đầu tư núp bóng (điểm e khoản 2 Điều 48).