Theo đó, thời gian kiểm tra sẽ bắt đầu từ ngày 15/3/2017 đến tháng 9/2017. Cụ thể, đợt kiểm tra thứ nhất bắt đầu từ ngày 15/3 đến ngày 15/4/2017. Đợt kiểm tra thứ hai bắt đầu ngày 1/5 đến tháng 7/2017. Đợt kiểm tra thứ 3 bắt đầu từ cuối tháng 8 đến tháng 9/2017.
Đáng chú ý, trong đợt kiểm tra thứ ba, các Chi cục quản lý thị trường kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ còn lại trên địa bàn. Sau đó, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương sẽ kiểm tra chéo công tác kiểm tra của một số Chi cục tại một số địa bàn trọng điểm.
Theo Bộ trưởng, việc kiểm tra nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công phân bón vô cơ trong việc duy trì và thực hiện các điều kiện sản xuất phân bón theo quy định của pháp luật, đồng thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh xứ lý đối với doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, gia công phân bón vô cơ, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và ngăn chặn các doanh nghiệp sản xuất không có giấy phép trốn tránh pháp luật.
Việc kiểm tra cũng nhằm đánh giá tình hình thực thụ các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất phân bón vô cơ, phát hiện những bất cập trong công tác quản lý phân bón nói chung, phân vô cơ nói riêng để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, chỉnh lý, hoàn thiện các quy định hiện hành về quản lý phân bón.
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng yêu cầu hoạt động kiểm tra cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Công tác kiểm tra phải gắn liền với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công phân bón vô cơ.
Đặc biệt, công tác kiểm tra không được gây phiền hà, trở ngại cho các doanh nghiệp; Các hoạt động kiểm tra phải có kế hoạch cụ thể, nội dung trong tâm. Các đánh giá kết luận cần phản ánh đúng thực tế, khách quan, trung thực, đảm bảo công bằng... Trên cơ sở đó, cần rút ra những bài học, vấn đề trong chỉ đạo, điều hành... để kiến nghị đề xuất với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi các quy định của pháp luật về quản lý mặt hàng này.
Thống kê của Hiệp Hiệp hội phân bón Việt Nam, hiện cả nước có hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất phân bón với hàng nghìn sản phẩm các loại. Tuy vậy, tình trạng doanh nghiệp hoạt động "chui", tức là không có giấy phép vẫn còn phổ biến.
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường cho thấy, năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra hơn 167.000 vụ việc, phát hiện và xử lý vi phạm gần 105.000 vụ, tăng hơn 1.000 vụ (so với năm 2015).
Riêng mặt hàng phân bón, lực lượng này đã phát hiện hơn 2.000 vụ vi phạm bị xử lý, tăng hơn 150% so với năm 2015 với số tiền phạt 22,7 tỷ đồng, đã có 12 vụ việc được chuyển cơ quan điều tra.
​Với việc ra quân, kiểm tra đồng loạt của lực lượng chức năng lần này ​sẽ là một giải pháp quan trọng nhằm lập lại trật tự cho thị trường phân bón, ngành hàng được đánh giá là đang tồn tại nhiều bức xúc về hàng giả, hàng kém chất lượng, gây bức xúc cho người nông dân thời gian qua./.
Nguồn: Vietnamplus.vn