Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (NSW) tại Bộ NN&PTNT và các đơn vị trong thời gian qua đã thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (đơn giản hóa hồ sơ TTHC, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan hàng hóa…), góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ.
Cùng với đó, bộ này cũng đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và kỹ năng tác nghiệp của các cán bộ, công chức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia tại các đơn vị khi chuyển đổi từ tiếp nhận, xử lý hồ sơ giấy sang cấp phép điện tử, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực, quốc tế và thực hiện cải cách hành chính.
Đến nay, một số đơn vị thực hiện TTHC thí điểm tại NSW như: Cục Chăn nuôi, Trung tâm 3K (Tổng cục Thủy sản), Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài (Cục Bảo vệ thực vật- BVTV), Cơ quan Thú y vùng II Hải Phòng (Cục Thú y) đã cơ bản không tiếp nhận việc xử lý, giải quyết hồ sơ giấy.
Tính đến ngày 31/8/2016, Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận tổng số 25.531 hồ sơ; đã xử lý, giải quyết và cấp phép/Giấy chứng nhận điện tử 19.777 hồ sơ; đang tiếp tục xử lý 5.754 hồ sơ, thực hiện tại các đơn vị của bộ.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã có 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 tại 5 đơn vị thuộc bộ (Cục BVTV – 5 TTHC, Cục Chăn nuôi – 3 TTHC, Cục Trồng trọt – 5 TTHC, Cục Quản lý chất lượng NLS và Thủy sản – 2 TTHC, Tổng cục Thủy sản – 3 TTHC).
Bộ đã chỉ đạo các đơn vị mở rộng ra 80 thủ tục theo đúng kế hoạch trong năm 2016, trong đó có 27 thủ tục hành chính kết nối với hệ thống NSW.
Bộ đang chỉ đạo khẩn trương việc hướng dẫn qua mạng điện tử toàn quốc đối với các thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch thực vật, quản lý vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; tích hợp trên Cổng thông tin NSW./.
9 TTHC được Bộ NN&PTNT kết nối với hệ thống NSW:
(1) Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu (Cục Chăn nuôi); (2) Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật nhập khẩu, quá cảnh và vận chuyển nội địa (Trạm kiểm dịch thực vật Nội Bài – Cục BVTV); (3) Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật nhập khẩu (Cơ quan Thú y vùng II Hải Phòng – Cục Thú y); (4) Cấp phép nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp, (5) Cấp phép nhập khẩu phân bón (Cục Trồng trọt); (6) Cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu sản xuất tại cơ sở trong Danh sách ưu tiên, (7) Kiểm tra, cấp chứng thư cho lô hàng thủy sản xuất khẩu sản xuất tại cơ sở ngoài Danh sách ưu tiên (Trung tâm vùng 4,5,6 – Cục Quản lý chất lượng NLS và Thủy sản); (8) Đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn thủy sản nhập khẩu (Trung tâm Kiểm định, khảo nghiệm, kiểm nghiệp – Tổng cục Thủy sản); (9) Cấp giấy phép Cites (Cơ quan Cites Việt Nam – Tổng cục Lâm nghiệp).
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn