Theo đó, Điều 112 về nghỉ lễ, tết quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
- Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
- Tết Âm lịch: 05 ngày;
- Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
- Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
- Ngày Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
- Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Bộ luật Lao động mới vẫn giữ nguyên tinh thần của Bộ luật Lao động 2012 khi cho phép người lao động trên cả nước được nghỉ 05 ngày vào dịp Tết Âm lịch (Tết Nguyên đán). Chính phủ cho phép người sử dụng lao động lựa chọn lịch nghỉ Tết Âm lịch là 01 ngày cuối năm và 04 ngày đầu năm âm lịch hoặc 02 ngày cuối năm và 03 ngày đầu năm âm lịch.
Tuy nhiên, điểm mới của Bộ luật này là quy định: Hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ (theo khoản 3 Điều 112).
Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động mới cũng quy định, người lao động sẽ được nghỉ 02 ngày vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh, thay vì 01 ngày như hiện nay. Người lao động được nghỉ vào ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau. Hàng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể ngày nghỉ lễ Quốc khánh là ngày nào, ngày 02/9 và ngày 01/9 hay ngày 03/9.
Như vậy, từ năm 2021, lịch nghỉ tết Âm lịch, Quốc khánh cụ thể hàng năm đối với toàn bộ người lao động trong các doanh nghiệp sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, áp dụng chung cho tất cả người lao động trong doanh nghiệp, cho cán bộ, công chức, viên chức.
Lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại Điều này còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.