Chính phủ thống nhất với các nội dung dự án Luật; giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của Thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng:
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2022, dự thảo Luật cần khắc phục được các vướng mắc, bất cập trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc xây dựng dự án Luật phải bảo vệ, bảo đảm thực thi các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người tiêu dùng. Đồng thời với việc quy định quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng, cần quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức kinh doanh với người tiêu dùng.
Đẩy mạnh công tác phân cấp, phân quyền và chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của dự án Luật này với pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý hành chính, hình sự, dân sự. Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo việc hoàn thiện dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
 

Nguồn: Baochinhphu.vn