Ngày 13/8, Công ty chứng khoán Rồng Việt đăng tải báo cáo trong đó cập nhật tác động của biến động tỷ giá đối với một số nhóm ngành ở Việt Nam.

Các ngành tích cực: Theo đánh giá của VDSC, có 4 ngành sẽ được hưởng lợi từ biến động tỷ giá

Ô tô - HHS: Theo VDSC, doanh nghiệp đã hoàn thành thanah toán cho đợt hàng trả chậm cuối cùng từ cuối tháng 7 và được hưởng lợi từ lô hàng nhập khẩu xe tải mới.

Bao bì - DHC, SVI: Các doanh nghiệp hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu giảm trong khi thị trường tiêu thụ trong nước ổn định. Đối với DHC, kế hoạch mua máy móc sản xuất tại Trung Quốc cũng sẽ được lợi, do giá trị thiết bị niêm yết bằng đồng USD thấp hơn so với trước.

Dược - Hầu hêt doanh nghiệp: Giá nguyên liệu đầu vào thường chiếm 50-80% giá vốn với lượng hàng nhập từ Trung Quốc khá lớn. Do vậy, tác động tỷ giá sẽ có lợi đối với các doanh nghiệp ngành dược.

Cáp điện - Các doanh nghiệp trong ngành: Các doanh nghiệp sản xuất cáp của Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu. Do đó, sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ kém cạnh tranh hơn khi NDT giảm giá do chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng. Vì vậy, sự cạnh tranh của sản phẩm Trung Quốc sẽ giảm hơn trước.

Các ngành tiêu cực: Có 10 ngành bị ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc kết hợp với việc tăng biên độ tỷ giá

Ngân hàng: Hoạt động kinh doanh ngoại hối một số ngân hàng có thể lỗ do trạng thái USD ngây trước khi USD tăng giá.

Vật liệu xây dựng - Doanh nghiệp xi măng, gạch men: Doanh nghiệp xi măng sẽ phải gia tăng cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam, điển hình như Bangladesh, Campuchia. Đối với doanh nghiệp gạch men, hàng Trung Quốc vốn được ưa chuộng nhờ giá rẻ và mẫu mã đa dạng. Điều này tạo nên sự cạnh tranh mạnh trên thị trường nội địa.

Săm lốp - CSM, DRC, SRC: Tang cạnh tranh về giá của lốp Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.

Hàng gia dụng - DQC, RAL: Cạnh tranh mạnh với các sản phẩm rẻ của Trung Quốc cả trong nước và tại các thị trường xuất khẩu.

Thủy sản - IDI, ANV, HVG: Tác động tỷ giá có thể gây bất lợi đến nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra tại Trung Quốc. Giá trị xuất khẩu tại thị trường này, vì vậy có thể giảm mạnh.

Phân đạm: Tăng cung phân bón trên thế giới từ phía nhà sản xuất của trung Quốc. Trong khi đó, thị trường trong nước có thể ít ảnh hưởng do rào cản kỹ thuật có thể được thiết lập.

Dầu khí - PVD, PVS, GAS, PXS: Biến động tỷ giá không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp song sự sụt giảm của giá dầu sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.

Thép - HSG, HPG: Cạnh tranh với thép Trung Quốc sẽ tăng mạnh từ nay đến cuối năm trên cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Cao su tự nhiên - DPR, PHR, TRC: Ảnh hưởng do việc giảm giá chung của giá nguyên vật liệu trên thế giới.

Du lịch: Ảnh hưởng do lượng khách Trung Quốc có thể bị sụt giảm theo sự mất giá của NDT. Khách Trung Quốc chiếm khoảng 20-25% cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam.

Các ngành được đánh giá trung lập là: Xây dựng; Kho vận; Vật liệu nhựa; Điện; Hàng gia dũng gỗ; Bảo hiểm; Phân phối dầu khí; Công nghệ.

Trong đó, ngành dệt may được đánh giá từ tiêu cực - trung lập. Theo VDSC, lợi ích của tỷ giá là các doanh nghiệp dệt may nhập nguyên vật liệu phụ kiệu từ Trung Quốc và xuất sang các nước khác có thể được hưởng lợi nhờ giá đầu vào giảm.

Trong khi đó, khó khăn sẽ là hàng Trung Quốc rẻ hơn một cách tương đối sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng Việt Nam cả ở t hị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, giảm tác động tích cực từ các hiệp định thương mại.

Ngoài ra, mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa để đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ theo các hiệp định thương mại (từ vải trở đi với FTA VN-EU và từ sợi trở đi trong hiệp định TPP) sẽ khó thực hiện hơn.

Minh Quân

Theo VDSC