Đã có nhiều thay đổi sau các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A), đặc biệt các doanh nghiệp VN nhanh chóng có cách sử dụng đồng tiền một cách khá táo bạo.

Ngoài các yếu tố nới “room” cho khối ngoại, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư ngoại lựa chọn

Bà Nguyễn Thị Vĩnh Hà (Giám đốc dịch vụ tư vấn Grant Thornton)

Làm gì sau khi mua và bán? Sau thương vụ bán 80% mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelez (Mỹ) với giá 7.846 tỉ đồng thành công năm 2014, lượng tiền mặt của Công ty CP Kinh Đô (KDC) được nâng lên gần 10.000 tỉ đồng. Có lượng tiền mặt lớn, doanh nghiệp này đã tìm cơ hội M&A với doanh nghiệp khác trong nước.

Thông tin thêm về thương vụ này, ông Trần Kim Thành, chủ tịch KDC, cho biết định hướng 10 năm tới sẽ phát triển đa ngành nghề, đa sản phẩm, nên việc chuyển nhượng 80% mảng bánh kẹo cho Mondelez sẽ giúp KDC có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược của mình.

Trước mắt, KDC sẽ đầu tư 325 tỉ đồng mở rộng lĩnh vực sản xuất mì gói, chi 700 tỉ đồng mua thêm cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật VN (Vocarimex), đồng thời đầu tư 300 tỉ đồng vào kem Kido.

“Số tiền còn lại khoảng 8.500 tỉ đồng, KDC sẽ đầu tư thông qua hình thức M&A vào các danh mục dự án ngành hàng thiết yếu” - ông Trần Quốc Việt, phó tổng giám đốc KDC, cho hay.

Về phía người mua, trong thời gian chóng vánh hơn nửa năm qua, Mondelez đã sở hữu danh mục các thương hiệu hàng đầu của VN và thế giới bao gồm bánh trung thu và bánh quy Kinh Đô, bánh quy Cosy, bánh bông lan Solite, bánh quy giòn AFC, bánh quy Oreo, bánh quy giòn Ritz và sôcôla Cadbury.

Ông Stephane Gripon, giám đốc điều hành Mondelez Kinh Đô, cho biết từ sau khi Mondelez tiến hành M&A với Kinh Đô, thay đổi đầu tiên là ra đời cái tên hoạt động mới - Mondelez Kinh Đô. Còn lại, các công việc kinh doanh của đơn vị này vẫn diễn ra như thường lệ.

“Mondelez sẽ từng bước áp dụng kinh nghiệm chuyên môn toàn cầu cùng các tiêu chuẩn và công nghệ sản xuất từ tập đoàn vào hoạt động kinh doanh tại VN” - ông Stephane Gripon nói.

Ở thương vụ khác, sau khi Nguyễn Kim bán 49% cổ phần cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan), hai bên cũng công bố kế hoạch kinh doanh năm năm phát triển với các mục tiêu ưu tiên và định hướng chiến lược trở thành nhà bán lẻ hàng điện tử gia dụng hàng đầu tại VN và Đông Nam Á.

Cụ thể Nguyễn Kim đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cửa hàng điện máy lên hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2019 so với 20 cửa hàng hiện nay. Đại diện nhà bán lẻ Thái cho biết chọn liên doanh để góp vốn là cách đi nhanh và hiệu quả để tiếp cận thị trường mới, trong thương vụ của Nguyễn Kim còn đem lại cơ hội phát triển thương hiệu VN ra thị trường quốc tế mà ban đầu là thị trường ASEAN.

Sau khi công bố đổ vào Công ty bất động sản An Gia Investment 200 triệu USD cuối tháng 7-2015, ông Toshihiko Muneyoshi - chủ tịch quỹ đầu tư bất động sản của Nhật Bản Creed Group - cho biết đang cho các chuyên gia phối hợp cùng người của đối tác An Gia săn tìm những dự án đã có sẵn pháp lý để mua lại.

“Đó là các dự án đã có đất sạch, có quy hoạch 1/500, chúng tôi chỉ cần đổ tiền vào 3 - 6 tháng là có thể triển khai xây dựng. Việc này làm giảm được rủi ro trong khâu chờ đợi thủ tục pháp lý của các dự án đôi khi kéo dài 2 - 3 năm” - ông Toshihiko Muneyoshi nói.

Hàng tiêu dùng vẫn hấp dẫn

Ông Đặng Xuân Minh, tổng giám đốc Công ty AVM Vietnam, cho biết thị trường M&A VN đang đứng trước những cơ hội được mở ra từ chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do giữa VN với các đối tác lớn.

“Điểm thuận lợi trong M&A hiện nay là sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy cổ phần hóa những doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tư nhân có tiềm lực tham gia mua cổ phần của các tổng công ty, tập đoàn lớn trong những lĩnh vực không trọng yếu. Do vậy, lĩnh vực hàng tiêu dùng sẽ còn chứng kiến nhiều thương vụ M&A lớn sắp tới” - ông Minh nói.

Cùng với đó, khi nhiều luật quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh đã được sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, Chính phủ ban hành nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nới room đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực... đã khiến nhà đầu tư đến từ châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ tích cực tìm hiểu, xúc tiến những thương vụ tham gia vào các lĩnh vực kinh tế của VN.

Theo dự báo của Công ty tư vấn Grant Thornton, số lượng những thương vụ mua sẽ cao hơn số lượng các thương vụ bán trong năm 2016 với 63% nhà đầu tư lựa chọn sẽ ở trạng thái mua ròng, dựa trên đánh giá tích cực về nền kinh tế vĩ mô. Các công ty tư nhân, gia đình sẽ tiếp tục là lựa chọn đầu tiên của nhiều nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư cũng xem xét đến những thương vụ tiềm năng từ cổ phần hóa, tuy chỉ với 2% lượt chọn cho rằng đây là cơ hội. Các lĩnh vực nóng sốt là bán lẻ, xăng dầu, ngành hàng thức uống... được diễn ra chủ yếu ở các công ty lớn, có quy mô và tên tuổi trên thị trường, bao gồm giữa công ty VN với nhau, doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp trong nước.

Sẽ tăng gấp đôi năm 2014

Theo ông John Ditty, phó tổng giám đốc Công ty tư vấn - kiểm toán KPMG VN, xu hướng lẫn giá trị các thương vụ M&A trong nửa đầu năm 2015 ở VN đã tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Trong năm 2014, giá trị những thương vụ M&A tại VN đạt khoảng 4,2 tỉ USD với khoảng 300 thương vụ. Chuyên gia này cũng dự đoán dòng vốn mới chạy vào thị trường VN qua các thương vụ M&A giai đoạn 2014 - 2018 có thể lên tới 20 tỉ USD.
 
Theo Đ.DÂN - N.BÌNH - H.QUÝ
Tuổi trẻ

Nguồn: Tuổi trẻ