CTCP Chứng khoán Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo đánh giá nhanh TTCK Trung Quốc. Theo đó, những gì xảy ra với TTCK trong 2 tháng qua sẽ là bài học nhãn tiền cho các thị trường đang phát triển đặc biệt là Việt Nam.
Từ đỉnh cao đến vực sâu
TTCK Trung Quốc đã giảm 30% kể từ ngày 15/6/2015 sau khi đã tăng 190% trong vòng 1 năm kể từ tháng 6/2014 đến nửa đầu năm 2015.
Theo đánh giá của BSC, đà tăng nóng của TTCK Trung Quốc vào nửa cuối năm 2014 và đầu năm 2015 là do các biện pháp kích thích kinh tế của Chính Phủ. Khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc khiến lãi suất cho vay chủ chốt giảm 3 lần kể từ tháng 11/2014 xuống còn 5,1%, lãi suất tiền gửi chủ chốt xuống 2,25%.
Chính sách nới lỏng tiền tệ kích thích cổ phiếu tăng mạnh. Cộng thêm giá vàng, BĐS giảm khiến dòng tiền trong dân cư đổ dồn sang thị trường thay thế là đầu tư cổ phiếu.
Tuy nhiên mặc dù TTCK tăng vọt thì các chỉ số kinh tế lại không tăng tương ứng, GDP chỉ đạt 7%, trong khi PMI liên tục giảm về sát mức 50 điểm. Giá cổ phiếu tăng cao trong khi sức khỏe của DN không tăng tương ứng khiến PE của thị trường tăng vọt. Ngay cả sau khi sụt giảm chỉ số PE của Shanghai Composite cũng lên đến mức 23 trong khi thị trường Hồng Kong chỉ ở mức 12.
Nguyên nhân thứ 2 theo BSC đó là chất lượng nhà đầu tư thấp do tỷ trọng NĐT nhỏ lẻ tham gia thị trường cao, Theo khảo sát, hơn 2/3 (68%) số nhà đầu tư mới chưa học hết phổ thông, 25% học tiểu học và gần 6% mù chữ; tỷ lệ đại học, cao đẳng chỉ chiếm 12%. Trong khi đó, các NĐT nước ngoài đã rút dần ra khỏi thị trường Trung Quốc trong quá trình tăng điểm, để lại lớp NĐT cá nhân nhỏ lẻ với trình độ hiểu biết hạn chế, chạy đua theo xu hướng đầu tư phong trào.
Thứ ba, tỷ lệ đòn bẩy tài chính (vay margin) ở mức cao. Tỷ lệ vốn margin/ giá trị số cổ phiếu floating thị trường Trung Quốc đạt gần 9%, cao gấp 5 lần so với mức trung bình ở hầu hết các thị trường phát triển. Điều này đồng nghĩa với khi tâm lý đảo chiều, giá cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh do áp lực giải chấp margin rất lớn của thị trường.
Bài học cho Việt Nam
Theo BSC, TTCK Trung Quốc đổ vỡ là bài học giá trị cho các thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam. Những hiệu ứng phụ của các biện pháp nới lỏng tiền tệ của Chính phủ Trung Quốc đã khiến TTCK tăng vượt kiểm soát. Điều này cho thấy bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra nếu thiếu sự chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành kinh tế.
Ngoài ra, bài học cũng cho thấy tầm quan trọng của các NĐT tổ chức, nước ngoài đối với thị trường tài chính nói chung và TTCK nói riêng. BSC cho rằng sự đổ vỡ của TTCK có một phần lớn nguyên nhân từ phong trào đầu tư mang tính chất dây chuyền của số đông lớp nhà đầu tư cá nhân,nhỏ lẻ với kiến thức hạn chế về kinh tế, tài chính.
Xét ở khía cạnh tích cực, BSC đánh giá những vấn đề của TTCK Trung Quốc lại là cơ hội đối với TTCK Việt Nam khi vốn rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã nổi lên và gây được nhiều sự chú ý trong con mắt NĐT tổ chức, nước ngoài. Nền kinh tế vĩ mô đang trên đà hồi phục tích cực, với nhiều cải cách
và thay đổi mang tính “mở” hơn đối với quốc tế, trong đó có chính sách tăng tỷ lệ sở hữu NĐT nước ngoài tại các doanh nghiệp của Việt Nam gần đây.