Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố Báo cáo chiến lược tháng 9 về những rủi ro bất định đòi hỏi nhà đầu tư phải có cái nhìn dài hơi.

Khó định hình xu hướng thị trường tháng 9

Theo VDSC, khối ngoại có 3 lo ngại lớn về bức tranh kinh tế vĩ mô, gồm (1) kịch bản FED tăng lãi suất trong tháng 9, (2) TPP không thể kết thúc trong năm nay và (3) sự ổn định của kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc giảm tốc. Giá trị bán ròng lớn ở nhóm cổ phiếu nông nghiệp cho thấy nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đang có cái nhìn bi quan về thị trường hàng hóa thế giới và đặt cược nhiều vào khả năng FED tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên.

Đối với NĐT trong nước, những lo ngại chung tương đồng với NĐTNN, họ cũng ảnh hưởng từ sự bán ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây.

VDSC cho rằng thị trường trong tháng 9 cần thời gian để lấy lại sự bình tĩnh, do đó khó để có thể định hình được xu hướng rõ ràng trong tháng 9, ít nhất là trước ngày 18/9 (thời điểm các ETF tiếp tục đợt review và FED có quyết định về nâng lãi suất).

Sau ngày 18/9, xu hướng của thị trường sẽ tùy thuộc vào diễn biến trước đó hoặc ngược lại, hay nói cách khác, theo VDSC, sự điều chỉnh không đủ lớn sẽ không hứa hẹn một sự phục hồi mạnh mẽ. 

Đặc biệt, VDSC kỳ vọng sau quyết định của FED (dù theo hướng nào) thì NHNN cũng sẽ cân nhắc để gửi thông điệp về chính sách điều hành tỷ giá ít nhất từ nay đến cuối năm. Tổng hòa các yếu tố trên sẽ giúp NĐT mạnh dạn hơn với các quyết định đầu tư.

Trước khi có các điều trên xảy ra, VDSC nhận định sẽ có khó có nhóm cổ phiếu nào đủ sức dẫn dắt thị trường và các chỉ số sẽ phải dừng lại trước ngưỡng kháng cự và hỗ trợ quan trọng. Nhóm cổ phiếu blue-chips và vốn hóa lớn sẽ là những đối tượng dễ tổn thương nhất trước biến động vĩ mô và chuyển động của dòng vốn ngoại, nhất là giao dịch của các quỹ ETF.

Vùng điểm dự báo trong tháng 9 mà VDSC đưa ra cho VN-Index là 537-578 và HNX-Index là 74-78.


Một số nhóm cổ phiếu tiềm năng

Trong giai đoạn thị trường biến động không rõ ràng, VDSC khuyến nghị NĐT nên hướng sự quan tâm những cổ phiếu có (1) thuộc ngành tiển vọng tăng trưởng tích cực trong trung và dài hạn, (2) có KQKD 6 tháng cuối năm kỳ vọng khả quan và (3) có định giá tương đối hấp dẫn so với thị trường chung. Một số ngành VDSC đưa ra như Dệt may (TCM, STK, TNG); Bất động sản (BCI, NBB, VPH); Dầu khí (PLC, PGS); Điện (NT2); Vận tải (GSP; PVT)...

Theo VDSC, những người đang giữ tiền hoàn toàn có thể bình tĩnh để chờ mua trong những phiên giảm khi giá cổ phiếu rơi về mức thấp. Ngược lại, những nhà đầu tư có cổ phiếu nên tranh thủ chốt lời và duy trì tỷ trọng cổ phiếu-tiền mặt ở mức cân bằng.

Đối với nhóm cổ phiếu Dầu khí đầu ngành, VDSC dự đoán sẽ có cơ hội phục hồi trong tháng 9, triển vọng giá dầu là tích cực. Ba kịch bản dự phóng giá dầu trong quý IV/2015 là (1) kịch bản cơ sở 44 USD/thùng; (2) kịch bản tích cực 58 USD/thùng và (3) kịch bản tiêu cực 35 USD/thùng. Và VDSC nghiêng về kịch bản tích cực 58 USD/thùng trong quý IV.

Do đó, việc giá cổ phiếu ngành dầu khí giảm dưới giá trị sổ sách và những phiên giá dầu giảm mạnh sẽ tạo ra cơ hội mua vào các cổ phiếu có beta cao với giá dầu như PVD và PVS vào cuối năm nay hoặc năm tới. 

Đối với ngành ngân hàng, P/B trung bình ngành chỉ còn 1,9x so với bình quân khu vực là 1,5x. Vì vậy, giá các cổ phiếu ngân hàng, nhất là VCB, BID, CTG và ACB đang ở mức tương đối hợp lý chứ chưa thực sự "rẻ". 

Ngoài ra, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối cũng như giấy tờ có giá trong năm nay của các ngân hàng sẽ không được khả quan. Vì vậy, VDSC cho rằng đầu tư vào nhóm này khi mặt bằng giá điều chỉnh thêm để bớt rủi ro, trừ khi NĐT kỳ vọng cải thiện KQKD trong dài hạn.

Tháng 9 cũng là thời gian Nghị định 60 về nới room được thực thi, VDSC đánh giá đây sẽ là động lực cho các cổ phiếu BĐS trước làn sóng M&A và dòng vốn FDI ngày càng mạnh mẽ. Điểm đến của các dòng vốn ngoại như KDH, VIC, BCI, NBB, ITC... sẽ là mục tiêu thâu tóm tiềm tàng.

Đối với nhóm cổ phiếu của các CTCK lớn như HCM, SSI có phản ứng tích cực với thông tin nới room, VDSC nhận định nhóm này sẽ khuấy động tâm lý NĐT nhiều hơn là dẫn dắt thị trường trong tháng này.

Đối với các công ty vận tải biển và xi măng - nhóm ngành ảnh hưởng bởi tỷ giá, VDSC cho rằng các khoản lỗ tỷ giá sẽ không ảnh hưởng trọng yếu đến bức tranh kinh doanh của DN, thậm chí là hấp dẫn hơn nếu bị thị trường "trừ điểm" quá nhiều.

Khổng Chiêm