Cổ phiếu ngành chứng khoán: “Nước lên thuyền lên”

Cùng với đà hồi phục của chỉ số Vn-Index và Hnx-Index trong hai tuần gần đây, khối lượng giao dịch toàn thị trường cũng đã có sự cải thiện mạnh. Giá trị giao dịch trung bình trên sàn HSX trong tháng 5 đạt 104 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 20% so với mức trung bình trong tháng 4. Khối lượng giao dịch tăng là tin vui đối với mảng môi giới của các công ty chứng khoán. Các khoản phí cho vay ký quỹ, phí ứng trước... cũng nhờ thế gia tăng.

Thêm vào đó, việc thị trường lên điểm cũng giúp các công ty chứng khoán hưởng lợi kép không chỉ ở mảng môi giới mà còn ở mảng tự doanh, tránh việc phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư như thời điểm Vn-Index về mức 528 điểm vào phiên ngày 8-5 (giảm 4% so với mức điểm cuối quí 1-2015 và cuối năm 2014).

Ngoài ra, khả năng nới room cho các công ty chứng khoán là câu chuyện không mới nhưng vẫn được giới đầu tư “xào đi xào lại” và là cơ sở để kỳ vọng ngành chứng khoán sẽ thu hút được dòng tiền lớn. Trong nhịp hồi phục vừa qua, HCM (Công ty cổ phần Chứng khoán TPHCM) thể hiện vai trò dẫn dắt ngành của mình khi có mức tăng lên tới 22%, cao hơn nhiều so với mức tăng 14% của SSI (Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn) và 13% của BVS (Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt).

Nhiều khả năng việc HCM hiện đã kín room nước ngoài (49%) là một điểm cộng, giúp cổ phiếu này thu hút dòng tiền đầu cơ trong trường hợp các quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài sớm được sửa đổi. Vì những lý do trên, nhóm ngành chứng khoán vẫn có sự hấp dẫn nhất định đối với dòng tiền trong giai đoạn cuối quí 2 này.

Cổ phiếu ngành xuất khẩu: tạo “sóng” theo TPP

Các doanh nghiệp xuất khẩu có thể là một trong những địa chỉ thu hút sự quan tâm lớn của dòng tiền trong tháng 6. Lý do không có gì mới, vẫn xuất phát từ những bước tiến của tiến trình ký kết các hiệp định thương mại tự do. Về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thông tin tốt đã xuất hiện vào ngày 23-5 vừa qua khi quyền đàm phán nhanh (TPA) của chính quyền Tổng thống Obama đã được thông qua tại Thượng viện.

Sắp tới, TPA cần phải vượt qua một cửa ải nữa tại Hạ viện Mỹ trong tháng 6 này. Các nước tham gia đàm phán TPP hiện đang rất trông ngóng vào quyền đàm phán nhanh của ông Obama để có thể tuyên bố kết thúc đàm phán. Dù còn rất nhiều khó khăn và có thể xuất hiện các nhân tố mới không thể lường trước nhưng TPP có được bất kỳ bước tiến mới nào đều là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Trên thực tế, năm tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu chững lại khá rõ (chỉ tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm trước trong khi cùng kỳ năm 2014 và 2013 lần lượt tăng 15,4% và 15,1%). Kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu sụt giảm hoặc tăng thấp so với cùng kỳ do sự lên giá của tiền đồng so với euro và yen Nhật như thủy sản (giảm 16%), cà phê (giảm 38%), dệt may (tăng 8,7%); gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 8%)...

Ngoài triển vọng TPP sớm được ký kết, các doanh nghiệp xuất khẩu còn được hưởng lợi phần nào từ quyết định điều chỉnh tỷ giá thêm 1% kể từ ngày 7-5 vừa qua. Tuy vậy, tác động tích cực từ sự mở rộng thị trường đối với ngành xuất khẩu nhờ hàng rào thuế suất giảm được đánh giá sẽ lớn hơn nhiều. Vì thế, với từng bước tiến mới của TPP, sẽ không ngạc nhiên khi dòng tiền trên thị trường chứng khoán có xu hướng ưu tiên tìm đến nhóm ngành xuất khẩu trong tháng 6 này.

Cổ phiếu bất động sản: bối cảnh vĩ mô hỗ trợ

Sự ấm lên của thị trường bất động sản đang khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này có nhiều cơ hội khởi sắc. Mặc dù sự phân hóa giữa các doanh nghiệp là khá lớn, tùy thuộc vào năng lực tài chính, điểm rơi dự án, quỹ đất... nhưng bối cảnh vĩ mô nói chung đang có sự ủng hộ nhất định cho các doanh nghiệp bất động sản. Trong ngắn hạn, kể từ ngày 1-7 tới, hai văn bản luật sửa đổi chính thức có hiệu lực là Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở được kỳ vọng sẽ tiếp sức thêm cho thị trường nhà đất, đặc biệt ở phân khúc trung và cao cấp.

Sự hồi phục mạnh của thị trường bất động sản không chỉ có tác động tích cực trực tiếp tới các doanh nghiệp thuộc ngành này mà sẽ có ảnh hưởng lan tỏa tới một loạt ngành khác như vật liệu xây dựng, đồ gỗ, đồ nội thất... Một điểm khác biệt trên thị trường nhà đất hiện nay so với giai đoạn sốt nóng trước đây là dòng tiền có xu hướng tìm đến những chủ đầu tư thật sự uy tín và phát triển các dự án chung cư theo mô hình tổ hợp, đầy đủ hạ tầng tiện ích chứ không chỉ giới hạn như xây một hay hai tòa nhà chung cư như trước đây.

Vì thế, rất có khả năng dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ sớm quay vòng một cách chọn lọc đến các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản và vật liệu xây dựng.


 

Nguồn: TBKTSG