Chiều 7/8, Cổng TTĐT Chính phủ đã tổ chức Toạ đàm trực tuyến với nội dung "Nới room: Đón nhận cơ hội và thách thức từ dòng vốn nước ngoài”. Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia đã giải đáp những thắc mắc về chuyện thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp Việt Nam khi được sở hữu 100% vốn.

Tiến sỹ Võ Trí Thành cho biết, theo Nghị định 60, không phải tất cả doanh nghiệp sẽ được nới room 100% và vẫn còn rất nhiều điều kiện để thực hiện nới room.

Thứ nhất, việc nới room còn phụ thuộc vào cam kết của Việt Nam đối với tỷ lệ sở hữu, như về ngành dịch vụ hay ngành ngân hàng. Thứ hai, nới room gắn với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thứ ba, nới room còn phụ thuộc vào điều lệ công ty, tức là doanh nghiệp vẫn có quyền tự quyết tỷ lệ nới room của mình.

Theo ông Thành, với nền kinh tế thị trường, M&A là chuyện bình thường và chuyển dịch sở hữu cũng là chuyện bình thường. Không chỉ có doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam, mà có rất nhiều thương vụ doanh nghiệp Việt Nam thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Thành cho rằng, về tổng thể, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu hơn các doanh nghiệp nước ngoài nên M&A cũng là một cách để học hỏi, phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt cần chấp nhận cạnh tranh.

Tiến sỹ Nguyễn Thành Long đồng ý với Tiến sỹ Võ Trí Thành và cho rằng, không phải cứ thâu tóm là tiêu cực, mà chỉ có "thâu tóm thù nghịch" mới mang tính tiêu cực. Bản thân việc thâu tóm bình thường chỉ là tập trung kinh tế. Bản chất việc thâu tóm giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh, tăng năng lực vốn, hoạt động tốt hơn trên thị trường.

Nói về "thâu tóm thù nghịch", tức là các quyết định bán công ty, bán tài sản mà không thông báo cho cổ đông, ông Long cho biết, các vấn đề này đã được lường trước. Do đó, Nghị định 60 có nội dung: Đối với doanh nghiệp không hạn chế tỷ lệ sở hữu, thì doanh nghiệp được quyền tự quyết tỷ lệ sở hữu. Như vậy, hoạt động thâu tóm hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của cổ đông doanh nghiệp.

Ngoài ra, ông Long cho biết, nếu tổ chức hoặc nhóm nhà đầu tư muốn mua trên 25% vốn doanh nghiệp thì phải chào mua công khai, đồng thời Việt Nam còn có các quy định về cạnh tranh được xây dựng theo chuẩn quốc tế nên nỗi lo thâu tóm không phải vấn đề đáng để bận tâm. Điều quan trọng nhất là cổ đông cần biết những quyền lợi của mình.

Bổ sung ý kiến, Tiến sỹ Lê Anh Tuấn cho rằng, thị trường hiện nay đang đánh đồng toàn bộ nhà đầu tư nước ngoài là một. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn có thể không liên quan đến nhau, mà có thể thù ghét nhau và cạnh tranh lẫn nhau.

Theo ông Tuấn, một số tổ chức lớn đầu tư nước ngoài là do người Việt trực tiếp ra quyết định đầu tư. Do đó, việc đánh đồng nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp Việt đều là thâu tóm thù địch là quan điểm cũ và không còn đúng.

Ông Tuấn đánh giá, nhà đầu tư nước ngoài sau khi thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam, vẫn phải làm việc dưới pháp luật Việt Nam. Do đó, nếu người nước ngoài có thể quản lý tốt hơn thì điều đó sẽ đem đến giá trị thăng dư tốt hơn cho nền kinh tế Việt Nam.

Với kinh nghiệm 15 năm của mình, ông Lê Anh Tuấn cho biết, ông chưa từng thấy trường hợp nào doanh nghiệp nước ngoài sau khi mua lại doanh nghiệp trong nước lại tạo ra ảnh hưởng xấu đền nền kinh tế, chính trị, xã hội.

Trước những lo lắng về vấn đề sở hữu đất đai, tư liệu sản xuất sau khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu chi phối doanh nghiệp, Tiến sỹ Nguyễn Thành Long cho biết, Nghị định 60 chỉ liên quan đến sở hữu cổ phần, cổ phiếu, chứ không liên quan đến tư liệu sản xuất, đất đai. Các vấn đề về đất đai được quy định trong các văn bản pháp luật khác.

Minh Quân