Để có một cái nhìn toàn diện về thị trường trong bối cảnh nhà đầu tư bị mất phương hướng trước hàng loạt thông tin trái chiều, chúng tôi đã có trao đổi với ông Phạm Lưu Hưng – Phó Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng tổ chức, Khối Dịch vụ Chứng khoán, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn về tình hình TTCK hiện nay.

Thông tư hướng dẫn giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam đã được ban hành, thị trường rất hào hứng nhưng chỉ được một thời gian ngắn, theo ông là vì sao?

Ông Phạm Lưu Hưng: Câu chuyện nới room chỉ là một phần của thị trường, và sự kỳ vọng của các nhà đầu tư về nới room đã có từ nhiều năm nay cho nên khó có thể có những diễn biến tích cực kéo dài khi chưa có sự chính thức thi hành thông tư hướng dẫn.  Còn lực bán mạnh trong thời gian vừa qua, một phần đến từ các nhà đầu tư nước ngoài và một phần đến từ sự lo ngại và phản ứng tiêu cực của các nhà đầu tư trước các tin đồn trên thị trường, cũng như có thể đến từ hoạt động giải chấp.

Một điểm mới của Thông tư 123 đó là việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cho NĐT nước ngoài, là một định chế đi đầu trong việc cung cấp các dịch vụ cho NĐT nước ngoài, SSI đánh giá tác động của Thông tư này đến dòng vốn ngoại sắp tới như thế nào?

Việc đơn giản thủ tục hành chính, trong đó có việc cấp phép mã giao dịch qua mạng cho nhà đầu tư nước ngoài, bỏ qua thủ tục chứng nhận lãnh sự… sẽ giúp quá trình cấp phép diễn ra nhanh hơn.

Tuy nhiên thì đây cũng chỉ là một phần trong quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh hiện tại, họ quan tâm đến tính thực tế của việc nới room, chính sách tiền tệ và tỷ giá trong thời gian tới của Việt Nam và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong các năm tiếp theo.

Nhắc đến tỷ giá, VND đã giảm giá gần 5% so với USD từ đầu năm đến nay, theo ông thông tin này có ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam không và các nhà đầu tư nước ngoài phản ứng ra sao với thông tin này? Theo ông, cổ phiếu nào chịu tác động mạnh nhất từ việc phá giá VND?

Mức độ mất giá của VND trong năm 2015 là cao hơn giai đoạn 3 năm trước đây (2012-2014) và điều này đã dẫn đến xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong tuần vừa qua. Tuy nhiên có thể thấy xu hướng này cũng đã diễn ra ở các thị trường mới nổi (emerging market), ví dụ như từ đầu năm đến nay đồng ringgit của Malaysia mất giá 20% , đồng rupiah của Indonesia mất giá 13%, baht Thái Lan mất 8%...

Các cổ phiếu chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc mất giá VND bao gồm các công ty có vay nợ nhiều từ USD hoặc có nguyên liệu nhập khẩu đầu vào (thanh toán bằng USD) nhưng chủ yếu phục vụ tiêu thụ nội địa trong khi giá cả chưa thể tăng do thị trường có tính cạnh cao.

Ông đánh giá thị trường chứng khoán cuối năm 2015 sẽ ra sao trước tin FED sẽ tăng lãi suất và tin nới room? Nếu có một lời khuyên cho nhà đầu tư lúc này, ông sẽ nói gì?

Nếu FED chưa tăng lãi suất ngay trong phiên họp tháng 9 tới, và việc nới room được thực hiện tốt ngay từ đầu tháng 9 và các tháng tiếp theo khi danh sách ngành nghề có điều kiện liên quan đến sở hữu nước ngoài được công bố, thì đây là các thông tin có thể nâng đỡ thị trường trong ngắn hạn.


Chúng tôi tiếp tục cho rằng với việc PE 2016 của Việt Nam đang chỉ ở mức 10x (sau khi VN-Index đã giảm 114 điểm từ đỉnh xuống 525 điểm, mất gần 18% sau 1 tháng), đây vẫn là thời điểm tốt để đầu tư cổ phiếu trong bối cảnh lạm phát tiếp tục ở mức thấp và lãi suất chưa thể có dấu hiệu tăng mạnh trở lại.

Ngoài ra, cũng phải kể đến so với các nước trong khu vực, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam tiếp tục triển vọng tích cực, như triển vọng tăng trưởng cao hơn trong năm 2015-2016, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam đón đầu TPP cũng như các FTAs, tình hình chính trị ổn định  … và kết quả bước đầu của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, hệ thống ngân hàng.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai