Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Khối Dịch vụ chứng khoán, CtyCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết khi trao đổi nhanh với PV TBTCVN về tác động của Hiệp định Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (TPP) đối với nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng.

* PV: Đàm phán TPP đã chính thức hoàn tất. Ông đánh giá thế nào về tác động của thông tin này tới nền kinh tế trong nước?

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Việt Nam được cho là nước hưởng lợi lớn nhất và đầu tiên từ TPP. Có 3 yếu tố làm cho Việt Nam trở nên nổi bật đó là: Mỹ đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của hàng hóa Việt Nam; các rào cản thương mại hiện tại với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt nam là khá cao, khi tham gia TPP, các rào cản này sẽ giảm bớt giúp thúc đẩy xuất khẩu; Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt so với các nước còn lại trong TPP ở một số ngành như may mặc, giày da, lĩnh vực mà Trung Quốc không thể cạnh tranh trong phạm vi TPP.

Dệt may có thể coi là ngành hưởng lợi lớn nhất và mang lại lợi ích rõ rệt nhất khi Việt Nam gia nhập TPP. Các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường dệt may hiện tại là Trung Quốc, Banglades, Ấn độ đều không nằm trong TPP, trong khi đó, các thị trường dệt may lớn nhất thế giới lại thuộc TPP là Mỹ, Nhật, Canada và Australia.

Ngay cả khi áp dụng điều kiện chặt chẽ về tỷ lệ nguồn gốc xuất xứ, tốc độ hưởng lợi của Việt Nam chỉ bị chậm lại ở thời gian đầu và sẽ tăng nhanh khi quá trình đầu tư sản xuất nguyên liệu hoàn tất. Đầu tư FDI vào Việt Nam để hưởng lợi từ TPP sẽ còn tiếp diễn khi nhà đầu tư đã tự tin hơn, điều này mang lại cơ hội về vốn và công nghệ khi Việt Nam đang có cơ hội để lựa chọn những nhà đầu tư có công nghệ tốt và thân thiện môi trường.

Đó là những lợi ích có thể nhìn thấy qua các con số, ngoài ra, TPP cũng mang lại cơ hội cho cải cách, đặc biệt là ở nhóm doanh nghiệp nhà nước. Nguồn lực xã hội sẽ được điều tiết hợp lý hơn theo hướng những ngành, doanh nghiệp nào có lợi thế sẽ được tập trung đầu tư và ngược lại. Đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để nâng tính cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế trong dài hạn.

Ở chiều hướng khác, những ngành có năng lực cạnh tranh thấp, chi phí sản xuất cao sẽ khó đứng vững trong làn sóng TPP. Ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức khi phải đối mặt với các mặt hàng nông sản từ Mỹ, Úc, Nhật bản… có chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh.

* PV: Có ý kiến cho rằng, TPP được hoàn tất chỉ có tác động tích cực tới thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, còn về dài hạn thì “phải chờ”. Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này? Vì sao?

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Chúng tôi cho rằng, TPP sẽ có tác động cả trong ngắn hạn và dài hạn, vấn đề nằm ở mức độ tác động.

Trong ngắn hạn, tác động tích cực là có, bởi TPP đã được thị trường chờ đợi từ lâu. Nhưng mức độ tác động sẽ ở mức vừa phải, bởi sau khi đàm phán TPP kết thúc sẽ vẫn còn nhiều việc phải làm. Trở ngại để TPP được phê chuẩn vẫn còn và chi tiết các khoản mục đàm phán chưa được công bố.

Về dài hạn, TPP cũng sẽ có tác động tích cực, bởi khi TPP được các nước thông qua và có hiệu lực, những thay đổi thực chất sẽ diễn ra, kinh tế tăng trưởng tốt hơn sẽ mang đến sự phấn chấn cho thị trường chứng khoán.

* PV: Hiện tại đã là quý cuối cùng của năm, cùng thông tin về TPP, các thông tin tích cực về vĩ mô trong nước và triển vọng khả quan về kết quả kinh doanh doanh quý III,... liệu có đủ sức đưa thị trường tăng trưởng mạnh hơn từ nay tới cuối năm không, thưa ông?


Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Tác động của TPP là tích cực và ở mức vừa phải. TPP chỉ là một biến số trong rất nhiều biến số của thị trường chứng khoán. Ở chiều hướng tích cực, ngoài TPP còn có thể thấy kinh tế Việt Nam đang hồi phục rõ nét, với tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và hiện tại đã vượt kế hoạch đề ra. Ở chiều hướng khác, vẫn còn những lo ngại ổn định tỷ giá và khả năng FED sẽ nâng lãi suất,….

Tuy nhiên, nếu không có những biến động lớn từ bên ngoài, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ có một quý IV tương đối tích cực.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Duy Thái
Thời báo kinh doanh

Nguồn: Thời báo kinh doanh