Tuần giao dịch 6/7-10/7, VN-Index tăng 10,9 điểm với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Thanh khoản trung bình tuần qua đạt 182 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị trung bình 3.200 tỷ đồng/phiên. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm tỷ lệ 15,18%. Riêng phiên cuối tuần ngày 10/7, giao dịch thỏa thuận bất ngờ tăng vọt, lên trên 1.000 tỷ đồng khi các cổ phiếu EIB, BCI được chuyển nhượng khối lượng lớn.
Đáng chú ý, phiên cuối tuần qua thị trường tăng mạnh nhờ cổ phiếu nhóm tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán), sau khi thị trường có thông tin điều chỉnh trần tăng trưởng tín dụng. Cổ phiếu của ngân hàng VietinBank và ngân hàng Quân Đội tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng.
Tăng giá mạnh nhất trong tuần qua là các cổ phiếu bảo hiểm khi nhóm này liên tục tăng giá kể cả trong phiên thị trường điều chỉnh. Trong top 10, có tới 3 mã bảo hiểm, gồm BIC, BVH và BMI.
BIC tăng giá trong cả 5 phiên tuần qua, với 4 phiên tăng trần và 1 phiên đóng cửa sát giá trần, tổng mức tăng sau 5 phiên là 37,9%. BVH có 3 phiên tăng trần, cả tuần qua tăng 27,5%.
TMT tăng giá 22,5% tuần qua, sau khi công ty công bố lợi nhuận 6 tháng lớn gấp 7 lần so với cùng kỳ.
Về phía giảm giá, mã giảm lớn nhất là TDW, mức giảm 15%. Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm giảm giá đều có thanh khoản thấp. Chỉ có OGC là mã khớp lệnh lớn nhất. OGC tuần qua giảm 10,7%. OGC đã bị loại ra khỏi danh mục VN30 và thay thế bởi SJS.
Bên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 0,6%, lên 88,24 điểm, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất là DLR, đạt 30,6%, CCM đạt 23,7% và SVN 20,6%. Tuy nhiên, các mã này thanh khoản đều thấp. Các cổ phiếu có giao dịch lớn nhất trong nhóm tăng giá là SHA, SHN.
KST là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất tuần qua với mức giảm 26%.
Đánh giá thị trường, công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, thị trường đang cần sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn để đi tiếp, khi mà các cổ phiếu vừa và nhỏ đóng vai trò duy trì nhiều hơn là thúc đẩy chỉ số. Trong lịch sử, VN-Index có 4 lần tiếp cận vùng 640 nhưng chỉ mới 1 lần thành công vào tháng 11/2006. Thời điểm này, các chỉ số chỉ đóng vai trò "tâm lý" và nhà đầu tư cũng cần có sự chọn lọc, cân nhắc thận trọng giữa giá cả và chất lượng.