Tối qua (15/9), Market Vectors Vietnam Index bất ngờ thông báo sẽ không đưa cổ phiếu BID vào danh mục; chỉ có cổ phiếu NT2 được đưa vào danh mục, thay thế cho DRC. Tin này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi tổ chức này công bố đưa BID vào danh mục.
Vì sao ETFVNM có sự thay đổi danh mục với BID?
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Trưởng phòng môi giới khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), điều này có nghĩa là VNM ETF sẽ không mua vào 30 triệu cổ phiếu BID.
Ông Thạch chỉ ra 2 lý do dẫn đến vụ việc này.
Thứ nhất, điều kiện thêm vào cổ phiếu mới trong danh mục VNM vào mỗi kỳ cơ cấu là tỷ lệ lưu hành tự do (freefloat) của cổ phiếu đó trên 10% (theo điều lệ của VNM).
Thứ hai, BID vào ngày chốt dữ liệu 31/8, Hãng cung cấp dữ liệu Bloomberg (và cafef.vn) đã tính toán tỷ lệ lưu hành tự do của BID là 14,49%. Điều này có thể do sai sót chưa tính tỷ lệ nắm giữ của nhà nước tại MHB là 91,26%.
Cụ thể, hiện nay, Nhà nước đang nắm giữ 95,76% BID, tương đương tỷ lệ lưu hành tự do của BID là 4,24%. Trong quý IV, BID sẽ tiến hành sát nhập 337 triệu cổ phần của MHB trong đó nhà nước giữ 91,26%, tương đương tỷ lệ freefloat 8,74% tại MHB. Như vậy, khi sáp nhập vào MHB, tỷ lệ lưu hành mới của (BID+MHB) là 4,72% vẫn chưa thỏa mãn điều kiện thêm mới 10% vào danh mục Van Eck.
Như vậy,
đây là lần đầu tiên ETFVNM có sự thay đổi nhanh khi nhận ra dữ liệu bị sai do chưa cập nhật tỷ lệ sở hữu nhà nước tại MHB ( giao dịch OTC) khiến sai lệch về tỷ lệ lưu hành tự do.
Cũng theo ông Thạch, đối với FTSE, tỷ lệ lưu hành tự do quy định là trên 5% cho cổ phiếu thêm mới, và câu hỏi đặt ra FTSE có hành xử tương tự Van Eck khi tỷ lệ cổ phiếu lưu hành tự do thực tế của BID hiện nay là 4,24% nhỏ hơn rất nhiều so với quy định 5% theo điều lệ của Quỹ này.
Cùng quan điểm này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng nói, đây là điều bất ngờ và chưa hề có tiền lệ của các Quỹ Đầu tư ETF đầu tư vào thị trường Việt Nam, thậm chí trên thế giới hành động này của ETF cũng hiếm khi xảy ra.
Hành động này được ETF giải thích là họ tính sai về mặt số liệu nhưng đây cũng có thể là biện pháp "kỹ thuật" bởi thông thường những việc tính toán danh mục của ETF là do hệ thống điện tử tính toán dựa trên các thuật toán có sẵn và con người ít can thiệp vào việc này nên việc tính sai có khả năng thấp.
"
Có khả năng ETF có sự biến động về vốn theo hướng bị các NĐT rút ra khiến họ cần phải thay đổi lại kế hoạch bằng cách giảm mua vào thêm và cách nhanh nhất là loại bỏ những mã chưa đưa vào danh mục. Bên cạnh đó cũng có
khả năng chiến lược đầu tư của họ thay đổi khi khả năng FED tăng lãi suất vào cuối tuần này có thể làm các NĐT rút vốn ra khỏi ETF (các Quỹ ETF thường được niêm yết ở nước ngoài và chủ yếu ở Mỹ)", ông Khánh nói.
Ngoài ra, ông Khánh dẫn thêm ví dụ hồi đầu tuần này, Bank of America Merrill Lynch trích dẫn số liệu từ EPFR Global thông báo có 46 tỷ USD bị rút khỏi các Quỹ Đầu tư toàn cầu trong 5 tuần qua đặc biệt lại tập trung vào thị trường mới nổi (bị rút đến 9 tuần liên tục). Quay trở lại câu chuyện, theo ông Khánh, đây có thể xem là động thái ETF nhằm đảm bảo danh mục của họ ít bị tác động nhất. Ngoài ra việc BID tăng giá quá nhanh có thể làm ảnh hưởng đến việc mua bán mã này bổ sung vào danh mục của họ với các "đối tác".
Tin từ ETFVNM không làm thị trường bị ảnh hưởng
Bày tỏ quan điểm, ông Khánh cho rằng tin ETFVNM không đưa BID vào danh mục không quá nhiều ảnh hưởng khi thị trường đang chờ đợi thông tin của FED vào rạng sáng ngày 18/9 (giờ VN) hơn là từ thông tin BID. Dù đang là kỳ cơ cấu danh mục đầu tư của ETF nhưng ngoại trừ BID được giao dịch vượt trội nhìn chung thị trường giao dịch khá buồn tẻ, thanh khoản thấp và biến động trong biên độ hẹp.
Ông Khánh dự đoán, trong tuần này, nhiều khả năng thị trường sẽ vẫn giao dịch trong xu thế này, biến động tiếp tục trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp.
Đối với cổ phiếu BID, ông Khánh cho biết, trong ngắn hạn mã này sẽ bị áp lực bán ra trong phần còn lại của tuần. Tuy nhiên về trung hạn, BID là một cổ phiếu khá tiềm năng nên nếu việc bán ra có thể đẩy mã này giảm mạnh. Đây lại là cơ hội cho các nhà đầu tư trung và dài hạn.
Ông Thạch đánh giá, sự thay đổi trong cơ cấu danh mục ETF đã làm nhiều nhà đầu tư bất ngờ nhưng lại là tin tốt cho các cổ đông đang sở hữu các cổ phiếu trước đây được dự báo sẽ bị VNM bán ra do phải thêm đến 8% tỷ trong danh mục vào cổ phiếu BID, sẽ không bị bán ra và được mua vào trở lại.
Ông Thạch cũng cho biết, đầu tư theo ETFs qua nhiều kỳ cơ cấu danh mục cho thấy tỷ lệ sinh lợi rất thấp do: (i) việc dự báo danh mục ETF có xác suất đúng thường chỉ trên trung bình, (ii) các giao dịch theo ETF thường diễn ra trong thời gian rất ngắn (1-2 tuần), (iii) những nhà giao dịch cho ETF là những trader có kỹ năng đặt lệnh và hiểu tâm lý nhà đầu tư rất tốt dẫn đến chênh lệch giá không cao.
Do vậy, theo chuyên viên môi giới SSI, nhà đầy tư hãy đầu tư giá trị và tăng trưởng trong giai đoạn thị trường đang hướng sự chú ý đến những biến động giá và thanh khoản của các cổ phiếu theo ETF.
Khổng Chiêm