Nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng về tăng trưởng và kiểm soát tốt dịch bệnh so với các nước trong khu vực. Nhiều đơn vị dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể vào khoảng 6,3% đến 6,7%.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều lĩnh vực hoạt động. Tổng số ca nhiễm cộng đồng tại Việt Nam từ ngày 27/4 đến nay là 532.491, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. Các biện pháp phong toả kéo dài ở nhiều tỉnh thành lớn trên cả nước đã khiến không ít doanh nghiệp đối diện với thách thức thiếu linh kiện, vật tư phục vụ sản xuất, nguy cơ bật ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu hiện hữu. Từ đó, nền kinh tế có thể sẽ chịu ảnh hưởng.
Nhiều tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng GDP trước tình hình trên. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm đáng chú ý là 8 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc bất chấp đại dịch bùng phát. VN-Index tăng 20,6% sau 8 tháng, tương tự, HNX-Index tăng đến 68,8%. Đi cùng với đó là thanh khoản liên tục lập kỷ lục. Giá trị giao dịch trung bình 8 tháng đầu năm 2021 đạt 23.790 tỷ đồng/phiên, gấp 3,2 lần so với bình quân năm 2020 với 7.400 tỷ đồng/phiên. Phiên 20/8, giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn lần đầu tiên vượt 2 tỷ USD, đạt 46.280 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước, 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỷ đồng, tương đương 7,7 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động vốn cho ngân sách Nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ đóng góp lớn nhất với 141.493 tỷ đồng, tăng 63%, kế đến là phát hành cổ phiếu và cổ phần hoá đạt 26.857 tỷ đồng, tăng mạnh 197% so với cùng kỳ. Có thể thấy được thị trường chứng khoán đã tỏ rõ vai trò là kênh huy động vốn tích cực cho các doanh nghiệp, bù đắp một phần cho những khó khăn trong kinh doanh, khôi phục sản xuất ngay khi có thể.
Chứng khoán không chỉ đóng vai trò là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, hay giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trong điều kiện tín dụng có phần hạn chế mà còn đóng góp vào ngân sách Nhà nước trong bối cảnh nhiều nguồn thu khác bị ảnh hưởng. Theo số liệu thu – chi ngân sách 7 tháng đầu năm của Tổng cục thuế, hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Động lực chính giúp thị trường chứng khoán biến động tích cực và sôi động là đến từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn hoặc bị gián đoạn do ảnh hưởng từ đại dịch thì chứng khoán nổi lên là kênh đầu tư hấp dẫn nhất cho nhà đầu tư cá nhân. Theo Thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), 720.989 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới trong 7 tháng đầu năm, cao hơn 83,7% so với con số của cả năm 2020.
Với diễn biến tích cực về mọi mặt của thị trường, các công ty chứng khoán (CTCK) được cho là hưởng lợi nhiều nhất. Dự báo trước được sự tích cực này, các CTCK đưa ra những mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng cho năm 2020, nhiều đơn vị với kế hoạch kỷ lục.
ĐHĐCĐ của Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) thông qua kế hoạch năm 2021 với mục tiêu đạt 5.263 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đặt kế hoạch đạt 1.870 tỷ đồng, tăng 312 tỷ đồng so với mức thực hiện 2020. Mục tiêu này vượt xa kỷ lục lợi nhuận 1.623 tỷ đồng mà SSI có được năm 2018.
Tương tự, ĐHĐCĐ của chứng khoán Bản Việt (HoSE: VCI) thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu lãi trước thuế dự kiến đạt 1.250 tỷ đồng, tăng 31,4% so với năm 2020. Hay như Chứng khoán TP HCM (HoSE: HCM) đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 2.668 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với năm 2020. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 1.203 tỷ đồng, tăng tới 82%.
Dù còn chặng đường khá xa nữa mới kết thúc năm 2021, nhưng nhiều CTCK đã chứng minh rằng kế hoạch được đặt ra là hoàn toàn không tham vọng khi rất nhiều đơn vị đã hoàn thành, vượt mức đề ra.
Theo nguồn tin của chúng tôi, Chứng khoán SSI đạt hơn 1.872 tỷ đồng tổng lợi nhuận trước thuế riêng công ty mẹ sau 8 tháng. Con số này đã vượt chỉ tiêu tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đầy tham vọng mà ĐHĐCĐ thường niên thông qua hồi đầu năm.
Trước đó, Chứng khoán BIDV (BSC, HoSE: BSI) thông báo lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt 216 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch kinh doanh được ĐHĐCĐ phê duyệt. Với chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), lợi nhuận trước thuế đạt 722 tỷ đồng, hoàn thành 96% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận các CTCK top đầu như SSI sẽ cao hơn hẳn.
Với mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp, trở nên kém hấp dẫn với người dân, bất động sản sau thời gian tăng nóng chứng kiến sự giảm giá mạnh, nhiều nơi mất thanh khoản hay các kênh đầu tư tiền kỹ thuật số chứng kiến sự trồi sụt, chứng khoán được cho vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới. Bên cạnh đó, mức định giá P/E của Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn so với khu vực, với kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong quý IV khi tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn và khống chế được dịch bệnh sẽ là cơ sở cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết. Với triển vọng tích cực của thị trường và dòng tiền trong dài hạn, dự báo lợi nhuận của các CTCK tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.