Chỉ số VN-Index phải mất gần 9 năm mới quay trở lại vùng 700 điểm, hiện giao dịch ở mức trên dưới 715 điểm. Đối với những nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đây là vùng điểm gắn liền với giai đoạn “đau thương” khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008 bùng phát.

Thời điểm đó, chỉ số VN-Index kéo dài chuỗi những phiên giảm mạnh không thanh khoản, bốc hơi giá trị tài khoản của đông đảo nhà đầu tư và tiếp tục rơi suốt hơn 1 năm sau đó, chỉ dừng lại khi chạm mốc 235,5 điểm ngày 24/2/2009.

Vùng 700 điểm nay đã khác xưa

Không chỉ chịu mất mát trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008, chỉ số VN-Index tiếp tục trải qua chấn động trong năm 2011 khi lạm phát bùng nổ, CPI vọt lên mức 12,63%, thanh khoản hệ thống ngân hàng cạn kiệt và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu những năm sau đó.

Dù trải qua nhiều chấn động, nhưng trong suốt giai đoạn này, VN-Index vẫn giữ được tinh thần lạc quan khi có số tháng tăng nhiều hơn giảm (216 tháng tăng so với 189 tháng giảm), và tiếp tục đón nhận số thành viên mới nhiều hơn số thành viên rời đi (thêm vào 271 doanh nghiệp so với 97 doanh nghiệp rời thị trường). Hiện tại, khi chỉ số VN-Index đã quay trở về vùng 700 điểm, những yếu tố định lượng, định tính của thị trường đã có nhiều thay đổi.

Xét về định lượng, sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index có thể được gói trong các con số cụ thể như sau:

Thứ nhất, số lượng thành viên niêm yết tăng gấp 3 lần (lên 322 tổ chức từ mức 107). Thứ hai, quy mô vốn hóa tăng trưởng gấp 12,2 lần (đạt 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm 31% GDP năm 2016 từ mức 0,29 triệu tỷ đồng, chiếm 14% GDP năm 2008).

Thứ ba, thanh khoản tăng kèm với khối lượng, gấp 11,6 lần (tổng giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trong 6 tháng liền trước đạt trên 2.048 tỷ đồng so với mức 176 tỷ đồng năm 2007).

Thứ tư, lượng tài khoản nhà đầu tư đạt 1,7 triệu tài khoản vào cuối tháng 1/2017, trong đó lượng tài khoản trong nước chiếm 98,5%.

Thứ năm, các chỉ số giá P/E, P/B ổn định hơn, biên độ dao động mềm hơn so với biến động gấp gáp hồi năm 2008.

 

Xét về định tính, cơ cấu chỉ số VN-Index trở nên bền vững hơn. Theo đó, cơ cấu khối ngành trong chỉ số chuyển hóa sang giai đoạn tăng trưởng ổn định từ giai đoạn tăng trưởng sơ khai hồi năm 2007 - 2008.

Tại thời điểm hiện tại, các nhóm ngành dẫn đầu là Tiêu dùng, Tài chính, Công nghiệp, Bất động sản (chiếm 74,7% tổng giá trị vốn hóa VN-Index), trong khi nhóm dẫn đầu về vốn hóa giai đoạn 2008 là Công nghiệp, Vật liệu, Tiêu dùng và Tài chính (chiếm 61,6% vốn hóa VN-Index thời điểm tháng 2/2008).

Bên cạnh đó, có sự dịch chuyển và phân hóa mạnh trong nhóm các doanh nghiệp Top 20 vốn hóa chỉ số VN-Index. Cụ thể, chỉ có 5/20 cổ phiếu Top 20 vốn hóa VN-Index còn trụ lại cho tới thời điểm bây giờ, còn lại đều tuột xuống những mức thang thấp hơn rất nhiều.

Trừ VNM vươn lên vị trí thứ 1 về vốn hóa, và HPG giữ nguyên thứ hạng 11, thì cả 3 cổ phiếu còn lại là FPT, STB và SSI lần lượt tụt xuống vị trí 16, 17 và 20 (trong số đó, STB đã từng đứng thứ 1, FPT thứ 5, trong khi SSI thứ 7 thời điểm tháng 2/2008).

Đáng chú ý, sự phân hóa ngày một rõ rệt, thậm chí trong Top 20 về vốn hóa. Theo đó, vốn hóa tối thiểu để lọt vào Top 20 tăng từ 3.500 tỷ đồng tháng 2/2008 lên mức 10.300 tỷ đồng vào tháng 2/2017. Mặt khác, mức độ ảnh hưởng của của nhóm trụ cột dẫn dắt ngày một đáng kể hơn: Top 3 vốn hóa hiện tại chiếm tới 28,6% chỉ số VN-Index, trong khi bộ 3 tương tự chỉ chiếm 21,3% tại thời điểm tháng 2/2008. Điều này lý giải tại sao hiện trạng “xanh vỏ đỏ lòng”, khi đa phần số cổ phiếu giảm điểm trong khi chỉ số chung tăng nhẹ nhờ một vài trụ, lại xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây.

Hiện tại, chỉ số VN-Index trên thực tế đạt khoảng 656 điểm nếu loại bỏ các cổ phiếu mới niêm yết trong vòng 2 quý gần đây. Rõ ràng, tác động kéo chỉ số từ số ít cổ phiếu trụ cột là rất đáng kể, trong khi mặt bằng chung các cổ phiếu còn lại hầu như giảm điểm trong suốt 9 năm qua.

Bối cảnh vĩ mô - thị trường

Không riêng câu chuyện nội lực của chỉ số VN-Index, trên thực tế, các yếu tố ngoại vi cũng có sự thay đổi mạnh mẽ khi so sánh hiện tại và thời điểm 2007 – 2008.

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô nhìn chung đi vào quỹ đạo ổn định: tăng trưởng kinh tế dù chưa đạt mức như giai đoạn 2007 - 2008 nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP vào hàng nhanh nhất thế giới (GDP tăng 2,1 lần lên mức 197,7 tỷ USD năm 2016 từ mức 92,4 tỷ USD năm 2008). Bên cạnh đó, các yếu tố như lạm phát, lãi suất, tỷ giá lại đánh dấu thành tựu đáng kể thông qua chính sách điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước.

Thứ hai, hoạt động thoái vốn nhà nước trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Giai đoạn 2016 -2017 có chung một điểm tương đồng với giai đoạn 2006 - 2007 khi quá trình cổ phần hóa, đưa doanh nghiệp niêm yết trở nên nhộn nhịp hơn.

Như vậy sau gần 1 thập kỷ, thị trường lại đứng trước cơ hội đón nhận một làn sóng doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có vốn nhà nước, lên niêm yết.

Cùng với cải cách khung pháp luật về đầu tư và chứng khoán, sự dịch chuyển cơ cấu sở hữu từ công sang tư tại khối các doanh nghiệp nhà nước vốn tác động lớn đến thị trường chứng khoán sẽ đơn giản hóa, minh bạch hóa và là liều thuốc cho căn bệnh kém hiệu quả cố hữu của khối doanh nghiệp nhà nước trong nhiều năm qua.

 

Thứ ba, nút thắt room khối ngoại là sự bổ sung và hỗ trợ hoàn hảo cho nguồn vốn tư nhân trong nước với sự phát triển kinh tế Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam hưởng lợi đáng kể từ quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà điển hình là dòng vốn FDI.

Trong khi đó, dòng vốn FII không được đánh giá tương xứng khi tồn tại nhiều rào cản về sở hữu. Với việc nới room nước ngoài lên tới 100% hoặc 49% tại các ngành có điều kiện, Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế.

Như vậy, sự trở về vùng 700 điểm lần này của chỉ số VN-Index là rất khác khi nội lực của chỉ số lẫn bối cảnh về kinh tế vĩ mô - tài chính đầu tư đều thay đổi. Không chỉ các yếu tố hiện tại đều được cải thiện, các yếu tố tương lai từng bước được gây dựng và hình thành.

Đó là sự ra đời của chỉ số VNX-Allshare hồi cuối tháng 10/2016 bước đầu tạo dựng nền móng hợp nhất thị trường chứng khoán. Chưa kể sự hợp nhất trong tương lai của 2 chỉ số VN-Index và HNX- Index (nếu có) không chỉ là cơ sở hướng tới sự đồng nhất về thủ tục, quy định và tiêu chuẩn đối với hoạt động niêm yết và đầu tư trên thị trường vốn niêm yết Việt Nam, mà còn gia tăng đáng kể giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam lên nhóm các thị trường mới nổi.

Kết

Một điểm thú vị là vùng 700 điểm từng là khoảng thời gian gia tăng thần tốc của chỉ số VN-Index trong giai đoạn cuối năm 2006, khi Việt Nam đi qua guồng tạo dựng của giai đoạn 2001 - 2005. Liệu 10 năm kể từ mốc 2006, vùng 700 có tiếp tục là giai đoạn bứt phá đưa VN-Index trở về mốc kỷ lục 1.170 điểm năm 2007?

Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn