Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài phân tích của đồng tác giả Hermawan Kartajaya và Ardhi Ridwansyah với tựa đề: “Những nghịch lý của nền kinh tế kỹ thuật số”.
Nội dung bài viết như sau: Nền kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử hiện thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ ở các quốc gia ASEAN đang nổi lên như một khu vực đầy hứa hẹn khi thị trường Trung Quốc đang bị bão hòa.
Thương mại điện tử hiện đang phát triển bùng nổ ở một số quốc gia thành viên ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Singapore, Philippines và Việt Nam. Vào năm 2016, một báo cáo của Quỹ Singapore Temasek và chương trình thương mại điện tử của Google với tựa đề “Lĩnh vực thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á” cho biết thương mại điện tử của ASEAN sẽ tăng lên 8,78 tỷ USD vào năm 2025.
Một phần của thương mại điện tử là doanh số bán lẻ cũng sẽ tăng lên đến 6,4% vào năm 2025 nếu so sánh với mức chỉ là 0,8% năm 2015.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử thì cũng xuất hiện những nghịch lý đi kèm vói nó. Một số công ty thương mại điện tử trong ASEAN đang bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của các thị trường chợ truyền thống đối với khách hàng.
Tiên phong trong lĩnh vực này đó là doanh nghiệp bán lẻ Zalora – nhà bán lẻ thời trang trực tuyến duy nhất của Singapore cung cấp một phương thức thanh toán duy nhất đó là bằng tiền mặt giao hàng.
Trang web này cung cấp một danh sách các bảng giá cả, một khái niệm cũng đã trở nên phổ biến ở Nhật Bản và Đài Loan với nhiều các chi nhánh của mình, Zalora tạo điều kiện để khách hàng lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình và đến một chi nhánh gần nhất của doanh nghiệp này để trực tiếp giao dịch bằng tiền mặt.
Zalora cũng đã bắt đầu lắp đặt các thông tin về giá cả tại các cửa hàng của mình để giúp khách hàng cập nhật, nắm bắt các thông tin về các loại hàng hóa, từ đó khuyến khích họ mua sắm các sản phẩm của mình.
Đối với các doanh nghiệp, để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thời đại kỹ thuật số hiện nay, có các nghịch lý dưới đây họ cần phải hiểu và được quản lý một cách thích hợp. Công nghệ Internet mang đến sự tiện lợi và hiệu quả cao. Sự tương tác giữa những người bán hàng và khách hàng có thể xảy ra ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.
Điều đó đã thúc đẩy các doanh nghiệp bán lẻ của ASEAN quan tâm mạnh mẽ đến việc bán hàng trực tuyến, xây dựng các trang web chính thức của họ, phát triển cộng đồng mua sắm trực tuyến và kéo các phương tiện truyền thông xã hội vào cuộc để xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng.
Nhưng bên cạnh những ưu điểm của mình thì thế giới trực tuyến cũng có những hạn chế riêng của nó, có nghĩa là các phương pháp tiếp cận thông thường của thế giới thực không thể bị thay thế hoàn toàn.
Sáng kiến của nhà bán lẻ trực tuyến như Zalora trong việc duy trì phong cách mua hàng truyền thống qua việc giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt là một ví dụ về cách các doanh nghiệp đang nỗ lực tạo ra một diễn đàn mua sắm trực tuyến và không trực tuyến được nối liền mạch với nhau, không làm cho chúng loại trừ nhau.
Thực tế là trong tương lai gần có lẽ chúng ta sẽ không cần phải so sánh nhiều đến việc liệu mua hàng trực tuyến có thuận tiện hơn so với việc mua sắm không trực tuyến mà cả hai lĩnh vực này sẽ cùng tồn tại, song hành nhau với mục đích là làm sao các sản phẩm của mình được đến với tay người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất.
Thương mại điện tử - Xu hướng của các doanh nghiệp nhỏ. Ảnh: E-Commerce Times
Sự phát triển của Internet cũng đã tạo ra mô hình mới trong việc tiếp nhận thông tin. Trong khi ở các bản in ra giấy, độc giả thường quen với việc các thông tin được đưa ra mang tính dài dòng, phức tạp hơn, tập trung vào các tính năng chuyên sâu, trong khi đó thông tin trên mạng Internet thường ngắn gọn hơn với những hình ảnh minh họa được sống động, sắc nét hơn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào việc trau chuốt hình ảnh cho các loại sản phẩm của mình (hình ảnh, âm thanh, thiết kế…) để cung cấp các thông tin mà không quan tâm đến việc chăm sóc, tạo dựng tình cảm đối với khách hàng.
Thực chất của nội dung kỹ thuật số chỉ góp phần tô điểm thêm cho các sản phẩm còn vấn đề cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm, giá thành của các loại sản phẩm được tung ra thị trường.
Làm thế nào để tạo ra những nội dung thông tin ngắn gọn về từng loại sản phẩm nhưng vẫn không làm mất đi giá trị cốt lõi của nó để người tiêu dùng có thể hiểu và lựa chọn chính xác sản phẩm mình quan tâm.
Số hóa đã cho phép tương tác giữa các sản phẩm công nghệ khác nhau. Dữ liệu trên điện thoại di động có thể được chuyển giao cho các sản phẩm công nghệ khác dưới dạng hướng dẫn sản xuất. Đây được gọi là Internet of Things (IOT) hoặc Machine-to-Machine (M2M).
Một loạt các thiết bị mới đã được tung ra thị trường trong những năm vừa qua, đáng chú ý là các thiết bị như Samsung Gear và LG Lifeband có khả năng kết nối, cảm biến cho phép khách hàng tiếp cận một phong cách sống thông minh, hiệu quả và thuận tiện hơn với các thiết bị cá nhân này.
Nhưng công nghệ không thể làm cho một người đàn ông bước vào trong thang máy mà không có cảm xúc. Thay vào đó, công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt là các phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành cầu nối nhiều hơn để con người diễn đạt cảm xúc của mình.
Đây là lý do tại sao việc tiếp xúc trực tiếp giữa con người với con người (human-to-human - H2H) vẫn không thể thiếu được trong đời sống xã hội. Công nghệ phải tối ưu hóa để tạo ra một sự tương tác hiệu quả hơn giữa con người với con người (không hạn chế bởi không gian và thời gian) và không tạo ra một không gian khác nhau để con người có thể tương tác, giao tiếp, thể hiện tình cảm với nhau.
Đây chính là những nghịch lý mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong nền kinh tế kỹ thuật số hiện nay, tất cả đều có thể được quản lý cùng một lúc mà không phủ nhận, gây tác hại lẫn nhau. Tuy nhiên, để đạt được điều này đòi hỏi sự sáng tạo để xây dựng một thị trường trực tuyến và không trực tuyến phù hợp, phát triển dựa trên những thành tựu công nghệ hiện đại, tuy nhiên vẫn xem xét đến các yếu tố truyền thống, văn hóa và thói quen mua sắm của người dân.
Điều đó khiến các doanh nghiệp cần phải quan tâm áp dụng hình thức machine-to-machine (M2M) hay human-to-human (H2H) cho phù hợp.