3 kịch bản xuất khẩu cho năm 2022
Con số tăng trưởng xuất khẩu 11,2% của dệt may Việt Nam trong năm 2021 theo ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là thành công, nhưng xét về thị phần, dệt may Việt Nam không có sự cải thiện. Trong số các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam năm 2021, ngoài Mỹ, có sự phục hồi, bằng năm 2019 với khoảng 100 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc; các thị trường lớn còn lại của dệt may Việt Nam khả năng phục hồi thấp, thậm chí thấp hơn năm 2020. Điều này tiếp tục là thách thức cho ngành năm 2022, bởi sự hồi phục của thị trường không thể "một sớm, một chiều".
Cùng đó, doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ nội tại: Chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá khiến dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ; mất cân đối lao động, doanh nghiệp khu vực phía Nam đang rất thiếu lao động, trong khi khu vực này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Ngành dệt may còn nhiều khó khăn cần vượt qua trong năm 2022

Trước dự báo không mấy "dễ chịu" đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã xây dựng mục tiêu xuất khẩu của ngành cho năm 2022 theo 3 kịch bản để linh hoạt triển khai thực hiện. Trong đó, kịch bản tích cực nhất, phấn đấu đạt kim ngạch 42,5 - 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022; kịch bản trung bình đạt 40 - 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát vào giữa năm; kịch bản thấp nhất đạt 38 - 39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022. "Cộng đồng doanh nghiệp dệt may Việt Nam lấy kịch bản cao nhất làm mục tiêu phấn đấu cho năm 2022, sống chung với dịch an toàn, nỗ lực ổn định lao động, ổn định sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu" - ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS - nhấn mạnh.
Thách thức lớn trong dài hạn
Không chỉ trong ngắn hạn, dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức lớn trong dài hạn đến từ xu hướng phát triển xanh và từ các đối thủ cạnh tranh của ngành.
Ông Lê Tiến Trường phân tích, trong chiến lược phát triển dệt may đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu không giữ 39% thị phần của thế giới như hiện nay mà giảm xuống 30%, nhưng con số này sẽ tập trung vào khu vực có biên lợi nhuận cao nhất như nguyên liệu tái chế, đặc biệt là vải polyeste tái chế.
Bangladesh đã đẩy ngành may và sợi đi theo hướng hiện đại bậc nhất. Năm 2021, 9 trong tổng số 10 nhà máy may mặc xanh đạt tiêu chuẩn cao nhất được Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ cấp chứng nhận nằm tại Bangladesh. Ông Lê Tiến Trường cho rằng, sự thay đổi của ngành dệt may quốc gia này rất lớn và là thay đổi về chất, rất khó để dùng cải thiện năng suất để theo kịp.
Ngành dệt may Ấn Độ được định hướng tự chủ nguồn nguyên phụ liệu. Mục tiêu đến năm 2025, Ấn Độ đặt mục tiêu xuất khẩu 80 tỷ USD sản phẩm dệt may (hiện nay là 35 tỷ USD). Một vấn đề nữa, sợi cotton của Ấn Độ rất rẻ, chất lượng tốt, nếu Ấn Độ phát triển lĩnh vực này sẽ là vấn đề hóc búa cho ngành sợi Việt Nam.
"Nhìn vào chiến lược phát triển của các quốc gia cạnh tranh với dệt may Việt Nam có thể thấy, xu hướng phát triển xanh, bền vững đang được các quốc gia hiện thực hóa. Đáng nói, các nhãn hàng lớn trên thế giới đều đã công bố lộ trình sử dụng nguyên liệu tái chế, nguyên liệu xanh. Điều này sẽ là thách thức lớn, buộc dệt may Việt Nam phải bắt nhịp nếu không muốn bị loại bỏ" - lãnh đạo Vinatex nhận định.
Để bắt nhịp với xu hướng xanh hóa của dệt may thế giới, ông Lê Tiến Trường cho rằng, trước việc Chính phủ đang đặt ra mục tiêu tái cơ cấu nguồn lực nền kinh tế, tạo động lực phát triển mới sau Covid-19, doanh nghiệp cần tiếp cận các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng mô hình mới, lấy toàn dụng lao động quốc gia là giải pháp tổng thể tái cơ cấu. Bắt buộc phải tranh thủ tài nguyên lao động trước nguy cơ già hóa dân số, từ sau năm 2035, mỗi năm, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu người ra khỏi tuổi lao động. Ngoài ra, dệt may Việt Nam cần sớm khắc phục vấn đề thiếu nguồn lực cán bộ quản lý chất lượng cao; hạn chế đầu tư theo chiều rộng, phân tán đơn vị sản xuất nhỏ lẻ và rời rạc để không bị giới hạn trong chuyển đổi số, tự động hóa và không đáp ứng được đơn hàng quy mô lớn.

Năm 2021, dệt may Việt Nam xuất siêu 15,12 tỷ USD, tỷ lệ giá trị gia tăng đạt 48% phản ánh điểm cân bằng ngày một tốt giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI trong xuất khẩu của ngành.

Nguồn: Bùi Việt/Báo Công Thương