Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may trong nước rơi vào trạng thái cảnh giác cao độ. Đây là mức thuế cao trong số các nước xuất khẩu vào Mỹ, tạo ra cú sốc lớn với dệt may - ngành vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường này.
Chia sẻ với VnExpress, hầu hết doanh nghiệp dệt may đều thừa nhận nếu mức thuế này không được điều chỉnh, việc duy trì hoạt động kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Việt Thắng Jean, cho biết các sản phẩm may mặc của doanh nghiệp đang chịu thuế 16%, tới đây có thể tăng lên 62%.
Mỹ là thị trường từng chiếm 40% tổng sản lượng xuất khẩu của công ty, nay thị trường này trở nên đầy thách thức. Nếu không tìm ra giải pháp kịp thời, doanh nghiệp có nguy cơ khó cạnh tranh được về giá trước các đối thủ.
Tình cảnh này không chỉ riêng Việt Thắng Jean. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết toàn ngành đối mặt với rủi ro lớn từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.
"Chúng tôi đang theo dõi sát sao diễn biến và hy vọng Chính phủ có thể đàm phán để tìm ra giải pháp hài hòa giữa hai bên", ông Hiếu chia sẻ.
Một doanh nghiệp dệt may có 400 công nhân ở Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) làm hàng đồ lót xuất đi Mỹ, cho biết vừa nhận thông báo của đối tác ngừng lấy hàng từ ngày 9/4 do thuế đối ứng có hiệu lực. Do đó, họ buộc phải giãn sản xuất, 50% công nhân nghỉ tạm thời và chờ thêm các động thái mới.
Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump, khẳng định Việt Nam sẵn sàng đối thoại để đưa thuế nhập khẩu hàng Mỹ về 0% và đề xuất nước này áp mức tương tự với hàng từ Việt Nam. Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đang có chuyến công tác tại Mỹ, đàm phán phương án với nước này. Việt Nam đề nghị Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng ít nhất 45 ngày với Việt Nam, để đàm phán, chuẩn bị và chuyển tiếp trạng thái.
Đây là tín hiệu tốt, song giới chuyên gia nhận định nguy cơ Mỹ áp thuế vẫn hiện hữu nếu hai bên không đạt được thỏa thuận như phía Washington mong muốn. Trong bối cảnh đó, chi phí sản xuất sẽ tăng, buộc doanh nghiệp phải chủ động ứng phó bằng cách tối ưu hóa quy trình, nâng cao năng suất và tiết giảm chi phí. Dù vậy, áp lực trong ngắn hạn vẫn rất lớn khi giá nguyên liệu leo thang, chi phí logistics tăng và hàng rào thuế quan ngày càng siết chặt, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế đầy thử thách.
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Agtex, cho rằng nếu mức thuế vượt quá 20%, ngành dệt may sẽ trải qua một năm ì ạch thay vì mục tiêu tăng trưởng 8% như kế hoạch đầu năm. Đặc biệt, với những doanh nghiệp nhập nhiều nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và tính hợp lệ trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. "Đây là thời điểm các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nội địa hóa nguyên liệu để vừa đáp ứng yêu cầu xuất xứ, vừa giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài", ông nói.
Để thích nghi với tình thế mới, nhiều doanh nghiệp dệt may không ngồi yên chờ đợi. Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu các sản phẩm dệt may như áo thun, đồng phục, đồ bảo hộ, Công ty May mặc Dony cho biết, họ có sự chuẩn bị từ trước.
Theo CEO Phạm Quang Anh, công ty từ chối các đơn hàng đối tác đưa ra điều khoản DDP (người bán chịu mọi chi phí, hàng giao tận kho Mỹ) vì dự báo rủi ro tăng thuế.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Việt cho biết, công ty cấp tập chủ động mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng từ Australia, Canada, Trung Đông hay châu Phi. Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng đang được thúc đẩy để bù đắp cho sự thu hẹp từ thị trường Mỹ.
Theo ông Hiếu, song song với mở rộng thị trường, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn. Đây là các tiêu chí ngày càng khắt khe từ các thị trường lớn. Ngoài ra, chiến lược đào tạo nhân lực cũng là chìa khóa giúp doanh nghiệp thích ứng lâu dài.
Ông Hiếu dẫn lại bài học từ Bangladesh - quốc gia từng mất hàng tỷ USD đơn hàng trong dịch Covid-19 do không đáp ứng kịp yêu cầu mới của các nhãn hàng lớn. Việt Nam khi đó được hưởng lợi nhờ khả năng thích nghi nhanh, nhưng điều này không thể là lợi thế mãi mãi nếu không có chiến lược bền vững.
Đồng quan điểm, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng đa dạng hóa thị trường là bài toán sống còn. Chính sách thương mại của Tổng thống Trump, dù chưa tác động trực tiếp do còn chờ đàm phán, là hồi chuông cảnh báo buộc ngành dệt may phải chủ động tháo gỡ các "nút thắt" chiến lược. Theo ông Giang, Việt Nam cần gấp rút giảm phụ thuộc vào thị trường lớn, nhất là Trung Quốc, đồng thời theo sát các diễn biến để tránh rơi vào bẫy thuế quan bất ngờ.
Tín hiệu tích cực là, trong hai tháng đầu năm, ngành dệt may đạt hơn 5,63 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Dự kiến tháng 3 có thể đạt thêm 4 tỷ USD. Ông Giang bày tỏ sự lạc quan vào quý cuối năm, giai đoạn cao điểm cho các đơn hàng mùa đông và lễ hội.
Dù phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia có chi phí nhân công rẻ hơn như Bangladesh hay Campuchia, ngành dệt may Việt Nam tự tin với kinh nghiệm, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần đổi mới. Nếu chính sách thuế quan từ Mỹ tiếp tục tăng 8-10%, doanh nghiệp cho biết vẫn có thể ứng phó được.
Tập đoàn Vinatex cũng cho biết, họ duy trì đà tăng trưởng tích cực từ quý cuối năm 2024. Hai tháng đầu năm nay, lợi nhuận hợp nhất toàn ngành tăng 14% và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 400 triệu USD, tạo nền tảng vững chắc cho mục tiêu 2 tỷ USD cả năm.
Tuy nhiên, ông Hồng cũng cảnh báo rằng phía khách hàng quốc tế thận trọng hơn khi theo dõi tình hình thị trường và diễn biến quan hệ thương mại toàn cầu. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tiếp tục linh hoạt, chủ động và sáng tạo để giữ vững nhịp độ tăng trưởng trong bối cảnh mới.