Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Báo cáo "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019" mới đây, nền kinh tế tiếp tục có xu hướng tăng trưởng tích cực với nhiều gam màu sáng. Đặc biệt, tăng trưởng ở khu vực công nghiệp xây dựng tiếp tục cao với mức tăng gần 8%. Điều đáng nói là động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế trong nhiều năm qua là vốn đầu tư và công nghiệp khai khoáng không còn nhiều dư địa, đang dần được thay thế bởi công nghiệp chế biến, chế tạo.

tin hieu tich cuc cho tang truong cuoi nam
Sản xuất công nghiệp giữ vai trò chủ lực
Nếu nhìn vào những con số cụ thể của tăng trưởng nền kinh tế tính đến gần cuối quý III/2018 thì đều thấy rằng, SXCN đang duy trì sức bật khá tốt. Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam của Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố, dựa trên các số liệu kinh tế đến tháng 8/2018 chỉ rõ: Chỉ số công nghiệp điện tử tháng 8 tăng 21,7% so với cùng kỳ, kéo chỉ số chung 8 tháng lên 17,7%. Đặc biệt, các bệ đỡ cho tăng trưởng công nghiệp như lọc hóa dầu, dệt may, dược, ôtô và thép đã có sự bứt phá mạnh. Đơn cử, sản xuất xe có động cơ tháng 8 tăng lên 28,9%, mức cao nhất kể từ tháng 1/2017 tiếp tục cho thấy sự cải thiện của ngành sản xuất ôtô trong nước. Chỉ số công nghiệp may mặc cũng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2016, tăng 17,2%.
Rà soát, đánh giá, báo cáo tình hình thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là với các đối tác thương mại lớn, đề xuất các giải pháp cụ thể để phát triển thương mại bền vững. Tích cực, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa Việt Nam; mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với các loại nông sản trong khoảng thời gian ngắn… là những nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương trong những tháng cuối năm 2018.
Thực tế, thách thức của nền kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2018 và năm 2019 được nhắc đến nhiều nhất là cần lưu tâm một số rủi ro có thể gặp phải khi chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa các quốc gia cũng như xu hướng bảo hộ thương mại nội địa. Báo cáo của SSI cũng cho rằng, do sự đối đầu có tính chiến lược giữa hai cường quốc khiến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khó sớm chấm dứt. Điều này đang đẩy cao rủi ro cho Việt Nam, một quốc gia có độ mở của nền kinh tế rất lớn. Theo nhận định từ SSI, nhiều năm qua dòng tiền nước ngoài, thông qua đầu tư và thị trường xuất khẩu đã là chỗ dựa cho tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định vĩ mô của Việt Nam. Nếu chỗ dựa này yếu đi, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào nội lực với 2 nhóm giải pháp kích cầu và kích cung và giải pháp căn cơ để phát triển kinh tế là kích cung. Trước mắt, bảo hộ chính là một giải pháp kích cung nhưng giải pháp này sẽ không hiệu quả nếu doanh nghiệp trong nước chưa đủ sức cạnh tranh.
Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8/2018 của Chính phủ yêu cầu: Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo phát triển SXCN theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao, từng bước tạo ra những sản phẩm thương hiệu quốc gia, có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thành các dự án, công trình trọng điểm của ngành để gia tăng năng lực sản xuất.
Nguồn: Duy Minh/Báo Công thương điện tử