Vì thế, việc xây dựng mối quan hệ hài hòa trong các doanh nghiệp luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Công đoàn Dệt may Việt Nam (DMVN).

Trên 80% doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động tập thể

Đặc thù lực lượng lao động của ngành dệt may là số lượng đông, tỷ lệ biến động lớn, quan hệ lao động phức tạp do công việc thường xuyên phải làm thêm giờ, trong khi ý thức tác phong công nghiệp của người lao động còn chưa cao (phần lớn xuất thân từ nông thôn, tuổi đời còn trẻ…). Do vậy, nguy cơ đình công, ngừng việc tập thể là rất dễ xảy ra.

Chính vì thế, Công đoàn DMVN xác định cần phải xây dựng mối quan hệ hài hòa dựa trên công cụ hữu hiệu là việc ký kết các thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT). Mọi tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua văn bản đã được nhất trí của cả người lao động và người sử dụng lao động tại từng đơn vị. Công đoàn đã cùng với Hiệp hội DMVN triển khai thực hiện việc thí điểm TƯLĐTT ngành DMVN vào ngày 26/4/2010. Chỉ đến tháng 3/2014, TƯLĐTT trong ngành dệt may đã được ký kết lần thứ 3 với sự tham gia của 100 đơn vị và trên 136.000 lao động.

Công đoàn DMVN hiện đang quản lý trực tiếp 115 công đoàn cơ sở với trên 130.000 công nhân viên chức lao động. Trong đó, tổng số đơn vị, doanh nghiệp có ký kết TƯLĐ là 97 đơn vị (4 đơn vị khối trường không thuộc đối tượng ký và 6 đơn vị mới thành lập chưa ký). Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp cổ phần có ký kết là 94% (89/95 doanh nghiệp), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 67% và đơn vị hành chính sự nghiệp là 86%.

Chú trọng lợi ích người lao động

“Qua mỗi lần ký kết, những nội dung trong TƯLĐTT đều được xem xét sửa đổi sao cho có lợi cho người lao động so với quy định pháp luật của nhà nước và cũng phù hợp nhất đối với từng đơn vị” - đại diện Công đoàn DMVN cho biết. Những nội dung được cụ thể hóa nhất là việc xây dựng bảng lương, mức thu nhập bình quân, mức ăn giữa ca, chế độ nghỉ ngơi, chế độ thưởng và các khoản phụ cấp xăng xe, thăm hỏi, hiếu hỷ, quà lễ, tết… Ngoài ra, còn có một số thỏa ước về nội dung đào tạo cũng được chú trọng như: Bồi dưỡng nghiệp vụ, nghề nghiệp và cả chế độ nghỉ mát, thăm quan, bảo hiểm thân thể 24/24h…

Nhờ những quy định đó mà thu nhập và điều kiện của các đơn vị tham gia TƯLĐTT đều khá ổn định, từng bước được nâng lên. Đáng chú ý là các đơn vị trong Công đoàn DMVN không xảy ra đình công và ngừng việc tập thể nào trong suốt thời gian qua. Tư tưởng của công nhân viên chức lao động từ đó cũng được ổn định, giảm thiểu mức độ biến động lao động, bảo đảm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và ngành dệt may nói chung.

Để làm được điều này, Công đoàn DMVN đã thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn về thương lượng, xây dựng hỗ trợ ký kết TƯLĐTT cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở; hỗ trợ công đoàn cơ sở sao cho xây dựng nội dung TƯLĐTT ngắn gọn, cụ thể, đề cập thẳng vào những quyền lợi thiết thực nhất của người lao động. Đồng thời, Công đoàn DMVN cũng theo dõi sát sao để kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện thỏa ước tại đơn vị.

Công đoàn DMVN luôn tăng cường sự tham gia của người lao động trong suốt quá trình thương lượng bằng nhiều hình thức. Có như vậy, TƯLĐTT mới thực sự bảo đảm được những quyền lợi  của người lao động, là cầu nối cho người lao động và người sử dụng lao động, từng bước xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.

Nguồn: Hà Nguyễn/Báo Công Thương điện tử