Ngành công nghiệp tăng trưởng cao nhất
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ngành công nghiệp nhựa dù còn non trẻ so với các ngành công nghiệp lâu đời khác như cơ khí, điện - điện tử, hoá chất, dệt may… nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Bộ Công Thương đánh giá, ngành nhựa giai đoạn 2010 – 2020 là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16% – 18% (chỉ sau ngành viễn thông và dệt may); có những mặt hàng tốc độ tăng trưởng đạt gần 100%/năm.
Hiện nay, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang có mặt tại gần 160 thị trường trên thế giới. Thị trường xuất khẩu truyền thống của các công ty nhựa Việt Nam là Nhật Bản, Mỹ, một số nước thuộc khu vực châu Âu (Đức, Hà Lan…) và ASEAN (Campuchia, Indonesia, Philippines…). Gần đây, Hàn Quốc đã trở thành một thị trường xuất khẩu lớn mới của các nhà xuất khẩu nhựa Việt Nam.
Theo tính toán từ thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm từ nhựa tăng mạnh 41,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 2,33 tỷ USD, chiếm 1,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước.
Nhóm hàng sản phẩm từ nhựa của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ, chiếm tới 36,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; tiếp sau đó là thị trường Nhật Bản đạt 331,53 triệu USD, chiếm 14,3%.
Bộ Công Thương thông tin thêm, xuất khẩu nhựa của Việt Nam chủ yếu đến từ nhóm những công ty FDI (chiếm 60% giá trị xuất khẩu toàn ngành). Những công ty này sử dụng những công nghệ tiên tiến, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường nước ngoài. Những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của ngành nhựa Việt Nam chủ yếu vẫn là bao bì túi nhựa, hoặc phụ kiện, linh kiện có giá trị gia tăng thấp.
Mặc dù triển vọng xuất khẩu của ngành nhựa Việt Nam được hỗ trợ tích cực bởi các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, nhưng đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, ngành nhựa Việt Nam vẫn đối mặt với những hạn chế tới từ thị trường xuất khẩu. Cụ thể như xu hướng chuyển dịch sang sử dụng bao bì thân thiện với môi trường tại châu Âu ngày một lan rộng, trong khi Mỹ vẫn áp thuế chống phá giá lên mặt hàng túi nhựa PE nhập từ Việt Nam.
Quá phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Theo Bộ Công Thương, hiện còn không ít hạn chế cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp nhựa Việt Nam. Nguyên liệu đầu vào chính của ngành nhựa là các bột nhựa và hạt nhựa PE, PP, PVC, PS và PET, được sản xuất chủ yếu từ dầu, khí, than.
Trong đó 75%-80% nguyên liệu và phụ liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất nhựa phải nhập khẩu do nguồn cung trong nước hiện nay chỉ có thể đáp ứng khoảng 1 triệu tấn nguyên phụ liệu (chủ yếu là nhựa PVC, PET và PP); đặc biệt thiếu nguồn cung nguyên liệu nhựa tái sinh và công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa chưa phát triển.
Chi phí cho nguyên liệu chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu chi phí của ngành nhựa. Tuy nhiên, các công ty nhựa Việt Nam không thể chủ động nguồn cung cấp trong nước. Tình trạng này dẫn đến việc các công ty nhựa phải duy trì tồn kho nguyên liệu lớn để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn.
“Kéo theo đó là chi phí tài chính gia tăng, cộng thêm rủi ro về thay đổi tỷ giá và giá dầu thế giới. Hạn chế này là đặc điểm chung của cả ngành nhựa Việt Nam và khó có thể thay đổi trong vài năm tới. Ngoài ra, lượng lớn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu sẽ khiến các công ty xuất khẩu sản phẩm nhựa khó tận dụng được ưu đãi thuế do những quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa", đại diện Bộ Công Thương nhận định.
Một hạn chế khác được Bộ Công Thương đề cập tới là các sản phẩm nhựa Việt Nam hầu hết nằm ở phân khúc tầm thấp nên các công ty quy mô nhỏ và vừa (chiếm hơn 90% trong tổng số 2.000 công ty nhựa) thường ít chú trọng đến việc đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại. Bên cạnh đó, các công ty vừa và nhỏ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay do những hạn chế về tài sản đảm bảo, chi phí lãi vay cao…
Chỉ có một số rất ít các công ty có quy mô sản xuất lớn chịu đầu tư chuyên sâu và có những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều này khiến sức cạnh tranh của sản phẩm nhựa Việt Nam trên thị trường không lớn, đặc biệt là những sản phẩm nhựa gia dụng.
Đến nay toàn ngành nhựa Việt Nam gồm khoảng hơn 2.000 công ty trải dài từ Bắc vào Nam và tập trung chủ yếu ở TPHCM (chiếm hơn 84%) thuộc mọi thành phần kinh tế với hơn 99,8% là công ty tư nhân. Các công ty trong nước chiếm 85%, công ty nước ngoài tuy chỉ chiếm 15% về số lượng nhưng chiếm đến 40% về vốn đầu tư.

Nguồn: haiquanonline/Thanh Nguyễn