Thuế xuất nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã chính thức về mức 0% bắt đầu từ 1/1/2018. Điều này gây ra một sức ép đáng kể với các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa khi dự báo lượng xe nhập khẩu giá rẻ từ các nước ASEAN có thể sẽ ồ ạt nhập về. Trong bối cảnh này, việc tăng năng lực sản xuất, đặc biệt là tăng tỉ lệ nội địa hóa lên con số 40% để tận dụng thuế suất 0% là việc ưu tiên hàng đầu để các doanh nghiệp nội tồn tại.
Theo đại diện Thaco, tăng tỉ lệ nội địa hóa chỉ là một điều kiện cần để xuất khẩu, ngoài ra doanh nghiệp Việt còn đứng trước khá nhiều thử thách đặt ra của các nước nhập khẩu.
Từ giữa tháng 10/2017, Nghị định 116 đề ra các biện pháp tự vệ trong bối cảnh ô tô ASEAN nhập về ngày càng mạnh mẽ. Bộ Công Thương cho rằng đây là những kiến nghị phù hợp, nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội cũng như doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động sản xuất tại Việt Nam có cơ hội tiếp tục duy trì ngành nghề kinh doanh cũng như góp phần phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
Ngành công nghiệp ô tô Việt đặt mục tiêu sản xuất khoảng 50.000 xe mỗi năm từ năm 2035. Bộ Công Thương cho biết, ngoài các chính sách phải hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, phải đề ra những giải pháp đẩy mạnh ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.
Trước mắt, Bộ sẽ tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất được các bộ phận quan trọng, chứa hàm lượng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin… để tăng năng suất sản xuất.
Thuế nhập khẩu ô tô giảm xuống còn 0% sẽ khiến số thu ngân sách từ mỗi chiếc xe ASEAN nhập khẩu về giảm từ trăm triệu đến cả tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính đòi hỏi sẽ phải có các khoản hồi thu nhưng phải đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nguồn: VITIC tổng hợp