Theo Nghiên cứu về chính sách tài khóa trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh - GREENID thì tiềm năng khai thác than sẽ ngày một khó khăn. Công nghệ khai thác sẽ phải chuyển từ khai thác lộ thiên sang khai thác than hầm mỏ với nhiều khâu phức tạp hơn. 

Hiện, trữ lượng than toàn quốc ước khoảng 48 tỷ tấn, trong đó, lượng than tại vùng đồng bằng sông Hồng đã chiếm  39,4%. Tuy nhiên, việc khai thác nguồn than tại khu vực này vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm bước đầu, chưa có triển vọng để đưa vào cân bằng năng lượng trong tương lai gần (đến năm 2030). 

Như vậy, GREENID lo ngại, với tốc độ tiêu thụ than nội địa bình quân tăng 7,5% năm; đặc biệt than dùng cho điện năng tăng từ 32% lên 51% sẽ dẫn tới mất cân đối giữa khả năng khai thác và nhu cầu sử dụng than.  

"Hệ quả của việc này là trong tương lai gần Việt Nam sẽ từ nước xuất khẩu năng lượng thành nước nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là nhập khẩu than cho phát triển nhiệt điện than. Việc nhập khẩu than này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn từ nguồn nhập khẩu, khả năng vận chuyển tới bến bãi đến cơ chế tài chính nước ta. 

Dự kiến cán cân cung cầu than đến năm 2030 của GREENID
Quy hoạch than thương phẩm dự kiến đạt 60-65 triệu tấn (2030), trong đó sử dụng than cho điện khoảng 60% và số thiếu còn lại sẽ phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu.

Hơn nữa, việc nhập khẩu than cũng sẽ gặp phải nhiều trở ngại. Theo nghiên cứu với tình trạng hiện tại, khả năng nhập khẩu than chi có thể đạt được khoảng 50% theo dự báo kế hoạch". GREENID cho hay. 

Việc nhập khẩu than từ nước ngoài về để cung cấp cho nhiệt điện, giá than sẽ tính đầy đủ theo giá quốc tế. Cụ thể, như dự báo giá than nhập khẩu từ Indonesia và Úc thì giá có thể lên đến từ 91 USD/tấn tới 126 USD/tấn đối với than 5000kcal/kg. 

Tổ chức này cũng cho biết, nghiên cứu về chính sách giá than và giá điện từ nhà máy nhiệt điện, giá than nội địa bán cho các ngành công nghiệp và điện lực đã được tăng dần từ năm 2011. Ngành than đã và sẽ phải áp dụng đầy đủ các chính sách về thuế và phí, kể cả phí môi trường trong đó có phí các bon. 

Từ các yếu tố đó, theo GREENID, giá điện năng từ thanh cái của các nhà máy nhiệt điện đốt than, nếu tính đầy đủ theo giá than của thị trường (bỏ trợ giá) tính cho phương án giá nhiên liệu tăng; tính theo phương án giá nguyên liệu tăng theo dự báo gía và cho trường hợp có tính đến phí cacbon dự kiến  (5 USD và 10 USD/tấn CO2). 

GREENID cũng đưa giả định về mức giá dự tính cho các nhà máy đã vận hành, mới đưa vào vận hành khi nhập khẩu than thì giá thành sản xuất điện quy dẫn của các nhà máy nhiệt điện than như sau:



Từ kết quả trên cho thấy, với các trường hợp tính đúng, tính đủ, kể cả tính đến thiệt hại cho xã hội do môi trường và phí các bon thì giá nhiệt điện sẽ từ khoảng 6,09 - 10,40 cent/kWh. Với giá này của nhiệt điện than thì năng lượng tái tạo cùng với thế mạnh của nó sẽ có cơ hội cạnh tranh. Thâm chí ngành năng lượng tái tạo dự báo có thể sẽ được  đầu tư với tỷ trọng ngày càng cao trong hệ thống điện quốc gia. 

* Đánh giá về diễn biến giá điện trong dài hạn, trong bản báo cáo ngành điện mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, trong tương lai, giá điện bán lẻ sẽ tăng đạt 8-9 cent/kWh vào năm 2020, tương ứng với mức tăng 18,4% trong vòng 5 năm tới.

* Theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), dự kiến trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng thêm chủ yếu sẽ do các tổ máy nhiệt điện đảm nhận, do vậy nhu cầu tiêu thụ than sẽ ngày càng tăng cao và dự kiến đến năm 2020, nhu cầu than sẽ tăng cao hơn 2 lần so với năm 2015. (Năm 2020, EVN dự kiến cần khoảng 56,5 triệu tấn than cho nhiệt điện). Do đó, việc đảm bảo cung cấp than cho phát điện có vai trò quan trọng trong thời gian tới. 

Huyền Thương