Nguy cơ thiếu điện ở miền Nam

Thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, sản lượng tiêu thụ điện và tốc độ tăng trưởng phụ tải khu vực miền Nam luôn cao nhất cả nước. Tuy nhiên, do miền Nam chưa tự cân đối cung - cầu nội miền nên sản lượng điện thiếu hụt hàng năm khoảng 10-15% tổng nhu cầu cả khu vực. Vì vậy, ngoài việc truyền tải điện sản lượng cao từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam thì cần phải huy động cao các nguồn điện chạy dầu khoảng 5 tỷ kWh từ năm 2017. Riêng các năm 2018 và 2019, phải huy động tối đa các nguồn điện dầu theo khả năng phát khoảng 8,5 tỷ kWh/năm. Điều này có thể gây áp lực lên giá điện trong tương gần.

Ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương - cho biết, với tổng công suất nguồn điện và lưới truyền tải cần đầu tư từ nay đến 2020 cần khoảng 40 tỷ USD, tức mỗi năm gần 7,9 tỷ USD. Để bảo đảm cung ứng đủ điện cho cả nước, trong đó có miền Nam, trong giai đoạn 2016 - 2030, chúng ta cần phải đầu tư thêm là 95.852MW. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, cần đưa vào vận hành 21.650MW; trong đó, EVN chỉ có thể bảo đảm khoảng 7.185MW (bằng 33,2%), còn lại gần 14.500MW (66,8%) do các doanh nghiệp khác đầu tư. Cùng với đó là đầu tư xây dựng hệ thống đường dây truyền tải 220 - 500kV.

Cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận

Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng, giải quyết vấn đề cung - cầu điện là bài toán của cả nền kinh tế, chứ không phải riêng của ngành Điện và phải có chiến lược dài hạn. Trước hết, cần phải thay đổi cách tiếp cận, thay đổi tư duy trong tái cơ cấu nền kinh tế và mô hình tăng trưởng theo hướng sử dụng công nghệ cao, sản xuất sạch, tiêu tốn ít năng lượng nhưng vẫn hiệu quả cả về kinh tế lẫn môi trường.

Trên cơ sở phân tích hiệu quả sử dụng năng lượng trong nền kinh tế, ông Thiên chỉ ra rằng, ở các nước phát triển, hệ số đàn hồi điện theo tỷ lệ 1:1 hoặc thấp hơn (tức là để tăng trưởng 1% GDP, thì điện cũng tăng trưởng tương ứng 1%) nhưng con số này ở Việt Nam đang là 1:1,8, gần gấp đôi. Sở dĩ có điều này là sau 30 năm đổi mới, Việt Nam vẫn duy trì một nền kinh tế sử dụng tiêu tốn nhiều năng lượng như xi măng, sắt, thép... với công nghệ lạc hậu nên cứ phải “gồng lên để cung ứng, đuổi theo cầu”. Và từ trước tới nay, mọi cơ chế chính sách đều tập trung kêu gọi đầu tư phát triển nguồn cung (các nhà máy điện, hệ thống truyền tải) chứ chưa tính đến hạn chế, giảm nguồn cầu (phía người tiêu dùng điện).

Mặt khác, giá của năng lượng cũng là vấn đề cần tính tới vì ảnh hưởng tới tiêu dùng năng lượng. Vì vậy, giải pháp cân bằng năng lượng phải dựa trên lợi ích tổng thể, trong đó có việc tính giá điện theo cơ chế thị trường, có hỗ trợ người nghèo, không nương theo dư luận xã hội. Giá cao sẽ khuyến khích khách hàng được tiết kiệm, buộc phải thay đổi công nghệ.

Một giải pháp khác mà ông Franz Genner - Trưởng nhóm chuyên gia năng lượng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - đưa ra là, Việt Nam cần chuyển dần từ việc khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả sang bắt buộc với những chỉ tiêu cụ thể, cơ chế, chế tài thưởng - phạt rõ ràng.

Ông Đinh Thế Phúc - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Bộ Công Thương:

Để bảo đảm đủ điện cho đất nước, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án điện đã được phê duyệt, khách hàng cần sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm bằng việc đầu tư nâng cao công nghệ sản xuất, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. 

 Nguồn: Đình Dũng/Báo Công Thương điện tử