Đa dạng chính sách
Với mục tiêu phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển, trong đó có phát triển ngành CNHT. Năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tiếp đến, ngày 4/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về Chính sách khuyến khích phát triển một số ngành CNHT... Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển CNHT với nhiều cơ chế ưu đãi DN như: Miễn thuế thu nhập DN 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo và áp mức 10% trong vòng 15 năm; các loại hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên vật liệu, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư sẽ được miễn thuế nhập khẩu, nhà đầu tư hưởng ưu đãi 50% kinh phí sản xuất thử trong hoạt động nghiên cứu và sản xuất…
Đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 68/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 - 2025 với mục tiêu chung đến năm 2020, sản phẩm CNHT đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa; đến năm 2025 con số này là 65%. Trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025, tập trung phát triển CNHT thuộc ba lĩnh vực chủ yếu: Linh kiện phụ tùng, dệt may - da giày, công nghiệp công nghệ cao…
Với hàng loạt chính sách được ban hành, CNHT đã thu hút được một số kết quả nhất định, như: Góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp lắp ráp; giảm bớt tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài… Tuy nhiên, ngành CNHT của Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế, yếu kém. Các sản phẩm hỗ trợ nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, giá cao hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại nhập khẩu.
Nhận diện thách thức để phát triển
Trước những thách thức và rào cản trong phát triển ngành CNHT, thời gian tới, Việt Nam cần có bước đi phù hợp để đưa ra các chính sách thúc đẩy phát triển CNHT.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - thông tin, Nghị định 111/NĐ-CP về phát triển CNHT với nhiều cơ chế ưu đãi cho DN CNHT như: Được miễn 4 năm đầu thuế thu nhập DN và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, áp mức 10% trong vòng 15 năm; các loại hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu; nhà đầu tư hưởng ưu đãi 50% kinh phí sản xuất thử trong hoạt động nghiên cứu và phát triển... Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ tối đa đến 75% chi phí chuyển giao công nghệ đối với dự án sản xuất vật liệu có sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước phục vụ cho sản xuất sản phẩm CNHT.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 29/2018/TT-BTC hướng dẫn lập, quản lý và sử dụng kinh phí Chương trình phát triển CNHT. Thông tư quy định mức hỗ trợ tối đa 100% áp dụng trong việc xây dựng và công bố thông tin về CNHT hàng năm; mức chi quản lý chương trình đề án CNHT...
Với những chính sách cụ thể và thiết thực, khi triển khai thực hiện, Việt Nam sẽ từng bước đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển CNHT trong một số ngành. Quan trọng hơn, nhờ CNHT, các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất được chủ động hơn, qua đó giảm nhập siêu, nâng cao năng suất lao động và gia tăng giá trị hàng hóa.
Để đẩy mạnh phát triển ngành CNHT, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu ra, đầu tư ban đầu để DN xây dựng kế hoạch đầu tư và chiến lược phát triển CNHT. DN phải cam kết lộ trình và tiếp tục thực hiện phát triển sau khi hỗ trợ kết thúc nhằm thúc đẩy CNHT trong nước.
Nguồn: Lan Anh/Báo Công thương điện tử