Tràn lan hàng Trung Quốc

Theo kết quả khảo sát của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tại 6 chợ bán buôn hàng may mặc, gồm: Chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, Rồng, Nghệ, Sắt và chợ Soái Kinh Lâm, hầu hết quần áo bán tại đây có xuất xứ Trung Quốc. 80% lượng hàng được bán buôn về các vùng nông thôn, shop online, shop thời trang. Sản phẩm chủ yếu gồm quần áo thương hiệu Trung Quốc; hàng nhái thương hiệu nổi tiếng như: Adidas, Nike, Burberry… và vải không rõ nguồn gốc.

Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex, không có quốc gia nào có vị trí thuận tiện đưa hàng từ Trung Quốc sang như Việt Nam. Nếu phủ kín thị trường Việt Nam thì lượng hàng cũng chỉ tương đương 2% năng lực sản xuất của nước này. “2% là số dư cho phép trong sản xuất. Giá thành đã tính cho người mua, lãi còn lại nằm ở phần dư cho phép. Điều đó khiến hàng Trung Quốc giá rất rẻ, hoàn toàn chiếm lợi thế trước hàng dệt may trong nước” - ông Lê Tiến Trường phân tích.

Hơn nữa, hàng hóa buôn bán tại các chợ không cần hóa đơn chứng từ nhưng tại cửa hàng chính quy thì phải tính thuế. Do đó, nếu bằng giá thành sản xuất nhưng kinh doanh theo phương thức buôn bán ở chợ sẽ tiết kiệm 15% chi phí. Đây cũng là nguyên nhân khiến hàng Trung Quốc được chuộng hơn.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, DN trong nước chỉ chiếm khoảng 35% thị phần và làm chủ ở các đô thị, còn khu vực nông thôn hầu như bỏ ngỏ.

Tận dụng hệ thống phân phối

Cũng theo ông Lê Tiến Trường, thị trường dệt may nội địa có quy mô từ 4-5 tỷ USD. Với quy mô như vậy, chỉ có thể chọn một số DN mạnh, có thị phần tốt ở đô thị làm mũi nhọn phát triển. Theo đó, thúc đẩy các DN này tăng quy mô sản xuất, giảm giá thành để tạo sức cạnh tranh.

Đặc biệt, Vinatex có định hướng khuyến khích DN thành viên sử dụng chung hệ thống phân phối. Ví dụ, Tổng công ty CP May Việt Tiến có 3.000 cửa hàng bán quần áo, có thể kết hợp phân phối thêm đồ lót từ Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông xuân, chăn ga trải giường từ Phong Phú… Hình thức kết hợp này không tạo sự cạnh tranh với hàng hóa của Việt Tiến mà chỉ là sản phẩm bổ sung, giúp giảm chi phí phát triển hệ thống và khai thác tối đa tài sản cố định.

Đại diện Tổng công ty May 10 đề xuất: Hiệp hội dệt may Việt Nam đang tìm địa điểm có diện tích vài nghìn m2, tất cả thành viên của hiệp hội cùng đầu tư. DN mạnh về mảng nào thì đầu tư sâu cho mảng đó, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đẹp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, các DN cần liên kết chuỗi để cung cấp đồng phục, bảo hộ theo hướng thiết kế mang bản sắc riêng. Mở rộng thêm hệ thống phân phối bằng cách hợp tác với các nhà bán lẻ lớn, như: Saigon Coopmart, Aeon Việt Nam... Đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng.

Để hàng dệt may trong nước chiếm lĩnh thị trường nội địa, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát nạn hàng giả, hàng nhái, buôn bán không hóa đơn, chứng từ đang phổ biến hiện nay.

Nguồn: Kim Liên - Việt Nga/Báo Công Thương điện tử