Tổng doanh thu của PVN 6 tháng đầu năm đạt 296,1 ngàn tỉ đồng, bằng 88,3% kế hoạch 6 tháng và 41% kế hoạch năm. Tổng lợi nhuận sau thuế đạt 23,6 ngàn tỉ đồng, bằng 93% kế hoạch 6 tháng và 59% kế hoạch năm, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo Quyền Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí (PVN) Nguyễn Quốc Khánh, giá dầu suy giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN; do vậy tập đoàn phải tiết giảm chi phí và tối ưu hóa sản xuất để duy trì hiệu quả sản xuất-kinh doanh.

Giá dầu thô WTI giao tháng 9/2015 theo thông báo hôm 18/8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, ở mức 41,87 đô la Mỹ/thùng. Đây là mức giảm giá kỷ lục, đã và đang tác động rất mạnh đến các quốc gia khai thác dầu thô, trong đó có Việt Nam.

Trong kế hoạch sáu tháng cuối năm 2015, PVN dự kiến giá dầu cả năm nay bình quân sẽ ở mức 63 đô la/thùng, giảm 40 đô la/thùng so với giá dầu trung bình của năm 2014 là 103 đô/thùng. Giá dầu thô 6 tháng đầu năm là 60,5 đô/thùng, giảm 52,3 đô/thùng (tương đương giảm 46%) so với mức giá bình quân 6 tháng năm 2014 (112,8 đô/thùng).

Trao đổi với TBKTSG Online về tình hình giá dầu giao tháng 9 đã “rơi” sâu xuống mức như trên, một lãnh đạo PVN nói rằng: mức giá giảm, giảm thấp hơn hay tăng lên đôi chút nằm trong chuỗi diễn biến giá dầu năm 2015 đã được PVN có kế hoạch chuẩn bị ứng phó và mức tăng giảm phải tính bình quân,cân đối theo chuỗi thời gian bởi giá ở thời điểm này thường được tính cho luợng hàng giao cho thời gian sau đó, có độ trễ nhất định.

Phát biểu tại lễ đón dòng dầu đầu tiên từ Giàn đầu giếng H5 thuộc mỏ Tê Giác Trắng, một mỏ liên doanh giữa PVEP thuộc PVN với các đối tác OPECO (Mỹ), SOCO (Anh), PTTEP (Thái Lan) cách đây vài ngày, ông Khánh đánh giá: Tình hình giá dầu suy giảm đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, đặc biệt là các đơn vị khai thác dầu khí chủ lực như PVEP, Vietsopetro… đồng thời ảnh hưởng cả đến các đơn vị chuyên về dịch vụ kỹ thuật dầu khí như PTSC. Để vượt qua được những áp lực đó, các đơn vị phải tiếp tục đẩy mạnh tiết giảm chi phí, tối ưu hóa sản xuất để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Giàn TGT- H5 WHP ở mỏ Tê Giác Trắng được đưa vào khai thác chỉ sau 22 tháng kể từ ngày phát hiện được dòng dầu thương mại, sau 16 tháng từ ngày bắt đầu thi công, vượt tiến độ 80 ngày so với kế hoạch được Chính phủ phê duyệt nên đã tiết kiệm được 34 triệu đô la so với ngân sách phê duyệt là 324 triệu đô.

Giàn TGT- H5 WHP vào khai thác góp phần làm gia tăng thêm sản lượng 10.000 đến 12.000 thùng dầu/ngày, nâng sản lượng khai thác mỏ Tê Giác Trắng lên mức 40.000 đến 42.000 thùng/ngày, góp phần gia tăng doanh thu của Liên doanh năm 2015 khoảng 45 triệu đô la, gia tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư và Chính phủ.

Trước đó, trong kế hoạch ứng phó với diễn biến giá dầu còn có thể biến động mạnh theo hướng giảm trong 6 tháng cuối năm, PVN đã lên những kịch bản “xấu nhất” cho từng thời điểm. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là tổ chức, rà soát lại tất cả các nhiệm vụ, chi phí dự kiến của năm 2015, thực hiện cắt giảm tối đa các chi phí thuê ngoài, các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Trước đó, Chính phủ đã yêu cầu PVN khai thác thêm 1 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch năm, đưa mục tiêu khai thác từ 13,7 triệu tấn lên 14,7 triệu tấn trong năm nay để bù đắp vào phần hụt thu do giảm giá.

Theo Lan Nhi
TBKTSG

Nguồn: TBKTSG