Về sản xuất công nghiệp
Trong tháng 12/2023, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của nước ta đạt 48,9 điểm, vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành suy giảm tháng thứ tư liên tiếp do nhu cầu yếu tiếp tục góp phần làm giảm số lượng đơn đặt hàng mới tháng thứ hai liên tiếp, tương ứng với đó là sản lượng giảm. Tuy nhiên, so với mức 47,3 điểm trong tháng 11, tốc độ suy giảm của ngành sản xuất của nước ta đã có dấu hiệu chậm hơn. Nhìn chung chỉ số PMI trung bình của năm 2023 ở mức thấp nhất kể từ thời điểm bùng phát đại dịch Covid -19 vào năm 2020. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực tìm kiếm đơn hàng để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng dịp cuối năm của các doanh nghiệp sản xuất nên sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực. Do vậy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 12/2023 cơ bản ổn định so với tháng trước khi chỉ tăng 0,1% nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng tới 5,8%, là một trong những tháng có mức tăng cao gần nhất kể từ đầu năm (chỉ sau mức tăng 7% của tháng 02/2023). Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,6%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 5,9%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,5%; riêng ngành khai khoáng giảm 12,8%.
Tuy nhiên, do những khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp của cả nước nên tính chung cả năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,4%) nhưng đây là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực trong sản xuất công nghiệp (lũy kế từ đầu năm đến hết 8 tháng, IIP đều giảm; lũy kế 9 tháng, IIP chỉ tăng 0,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,7%); ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,8%; ngành khai khoáng giảm 3,9%.
- Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, đóng góp 0,93 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,10 điểm phần trăm.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 13,2%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 9,5%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 8,3%; sản xuất kim loại tăng 7,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 7,2%; dệt tăng 7%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 6,1%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 10,7%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 2,4%; khai thác than cứng và than non giảm 1,6%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 1,5%; sản xuất trang phục giảm 0,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 0,6%.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 so với năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: (i) địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so với năm trước: Quảng Ninh tăng 30,3%; Bắc Giang tăng 20,8%; Phú Thọ tăng 18,5%; Nam Định tăng 14,8%; Kiên Giang tăng 14,2%; Hà Nam tăng 13,9%; Hải Phòng tăng 13,4%; (ii) địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 138,5%; Trà Vinh tăng 40,8%; Ninh Thuận tăng 15,1%; Quảng Ninh tăng 12,9%; Phú Thọ tăng 9,3%. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm: (i) địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 so với năm trước tăng thấp hoặc giảm là: Hòa Bình tăng 0,3%; Quảng Nam giảm 26,8%; Bắc Ninh giảm 11,3%; Vĩnh Long giảm 9,4%; Sóc Trăng giảm 6,1%; Lào Cai giảm 4%; Đà Nẵng giảm 3,7%; (ii) địa phương có chỉ số của ngành sản xuất và phân phối điện giảm: Sơn La giảm 26,1%; Hà Giang giảm 21,6%; Lai Châu giảm 20,8%; Quảng Nam giảm 18,7%; Hòa Bình giảm 14,7%; Lào Cai giảm 11,1%; (iii) địa phương có ngành khai khoáng giảm: Vĩnh Long giảm 85,8%; Hà Giang giảm 52,8%; Quảng Nam giảm 7,6%.
- Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2023 tăng cao so với năm trước: Đường kính tăng 30,9%; phân hỗn hợp NPK tăng 18,6%; thép cán tăng 12,7%; thuốc lá điếu tăng 10,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên, vải dệt từ sợi nhân tạo và sữa tươi cùng tăng 7,5%; sơn hóa học tăng 7,1%; alumin tăng 5,6%; ti vi tăng 4,8%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với năm trước: Xe máy giảm 12,6%; ô tô giảm 12,3%; điện thoại di động giảm 9,9%; thép thanh, thép góc giảm 8,9%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 7,4%.
- Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2023 tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,1% của năm 2022.
- Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2023 giảm 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,9%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2023 là 87,5%, cao hơn so với tỷ lệ là 78,1% của năm 2022.
Như vậy, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thấp, trong khi tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2023 cao hơn so với năm 2022 cho thấy những khó khăn trong sản xuất công nghiệp.
Kết quả sản xuất của một số ngành chủ yếu
Ngành Dầu khí: Trong năm 2023, các chỉ tiêu sản xuất và tiêu thụ của PVN đều ước hoàn thành vượt mức từ 5% - 31% kế hoạch năm 2023, cụ thể:
- Tình hình sản xuất: Trong năm 2023, PVN đã nỗ lực bám sát các nhiệm vụ mục tiêu và kế hoạch sản xuất kinh doanh đề ra, tiếp tục duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng sản lượng khai thác dầu khí quy dầu ước thực hiện năm 2023 đạt 17,82 triệu tấn quy đổi, vượt 17% so với kế hoạch năm 2023; Sản lượng xăng dầu năm 2023 ước thực hiện đạt 7.257 nghìn tấn, vượt 31% so với kế hoạch cả năm; Sản lượng điện năm 2023 ước thực hiện đạt 25,1 tỷ kWh, bằng 105% kế hoạch cả năm; Sản lượng đạm ước thực hiện năm 2023 đạt 1.749 nghìn tấn, vượt 9% so với kế hoạch cả năm.
- Tình hình tiêu thụ năm 2023: Sản lượng tiêu thụ dầu ước đạt 10,28 triệu tấn, vượt 11% so với kế hoạch cả năm 2023; Sản lượng tiêu thụ khí, ước đạt 7,54 tỷ m3 vượt 27% kế hoạch cả năm 2023; Sản lượng tiêu thụ xăng dầu ước đạt 7.257 nghìn tấn, vượt 31 kế hoạch cả năm; Sản lượng tiêu thụ điện ước đạt 25,1 tỷ kWh, bằng 105% kế hoạch cả năm; Sản lượng tiêu thụ đạm ước đạt 1.749 nghìn tấn, vượt 9% kế hoạch cả năm.
Ngành Điện: Trong năm 2023 đã triển khai các giải pháp đồng bộ để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đi vào vận hành, huy động tối đa các nguồn lực bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (1.200 MW), Vân Phong 1 (hoàn thành Tổ máy 1 - 716 MW).
Quan tâm chỉ đạo đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm, đặc biệt là các công trình lưới điện 500 kV mạch 3 kéo dài từ Quảng Trạch đến Phố Nối. EVN và các đơn vị thành viên đã tích cực triển khai công tác đầu tư xây dựng và phấn đấu sớm đưa vào vận hành nhiều công trình lưới điện trong năm 2023 như: Trạm biến áp 500 kV Long Thành (đấu nối 220 kV), Đường dây 500 kV Sông Hậu - Đức Hòa (giai đoạn 2: từ VT78 - TBA 500 kV Đức Hòa), Trạm biến áp 220 kV Cam Ranh (giai đoạn: XT ĐZ 220 kV 2 mạch), Trạm biến áp 220 kV Tây Ninh và Đường dây 220 kV Tây Ninh -Tân Biên, Nhánh rẽ 220 kV TBA 220 kV Krông Ana…
Việc cung ứng điện năm 2023 cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên, trong một số thời điểm cuối mùa khô, khu vực miền Bắc đối mặt với tình trạng thiếu điện cục bộ do thủy văn khô hạn bất thường, nắng nóng cực đoan, nhu cầu sử dụng điện tăng cao đột biến, cùng với những bất cập, mất cân đối hệ thống và hạn chế, thiếu sót trong công tác điều hòa các nguồn điện. Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan nhanh chóng khắc phục bằng nhiều biện pháp trước mắt và lâu dài. Theo tính toán cập nhật, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện năm 2023 ước đạt 280,8 tỷ kWh, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 98,6% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt. Về cơ bản, phụ tải bám sát kế hoạch năm 2023 do Bộ Công Thương phê duyệt.
Ngành Than: Ngay từ các tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã thường xuyên theo dõi và bám sát tình hình cung cấp than cho sản xuất điện, kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để đảm bảo ổn định thị trường than, cung cấp đủ than cho sản xuất điện và các nhu cầu sản xuất công nghiệp khác. Do đó, hầu hết các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ than đều đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2022, nhất là chỉ tiêu về cấp than cho sản xuất điện (bằng 94,28% so với Kế hoạch năm và bằng 116,5% so với cùng kỳ 2022).
Dự kiến thực hiện cả năm 2023, than thương phẩm sản xuất đạt trên 57,88 triệu tấn, trong đó than thương phẩm sản xuất trong nước đạt khoảng 44,68 triệu tấn; than nhập khẩu đạt trên 13,2 triệu tấn (TKV 9,2 triệu tấn, TCTĐB trên 4,0 triệu tấn). Tổng lượng than tiêu thụ theo hợp đồng giữa TKV, TCTĐB và các hộ tiêu thụ khoảng 57,12 triệu tấn (cung cấp cho sản xuất điện khoảng 46,32 triệu tấn). Dự kiến cả năm 2023, TKV cấp khoảng 38,55 triệu tấn, đảm bảo đủ khối lượng cam kết theo Hợp đồng đã ký; TCTĐB cấp khoảng 8,2 triệu tấn, bằng 106% so với Hợp đồng đã ký.