Trong số đó, lượng doanh nghiệp Việt Nam chiếm tỷ lệ còn thấp, bởi tiêu chuẩn của Samsung đặt ra cho các đối tác khá cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp Việt không thể đáp ứng được. 

Câu chuyện thành công

Một ví dụ điển hình là câu chuyện của Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long. 

Nhờ trở thành nhà cung cấp (vendor) cấp 1 cho Samsung, Thăng Long đã phát triển vược bậc khi doanh thu tăng gấp 3,8 lần trong 5 năm (2009-2014), từ mức 3,41 triệu USD lên hơn 12 triệu USD, và đang đặt mục tiêu 13 triệu USD trong năm 2015.

Với một doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, doanh thu 12 triệu USD/năm (tương đương 260 tỷ đồng) là một con số không nhỏ, mang đến công việc ổn định cùng thu nhập tốt cho hơn 490 lao động.

Theo ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng giám đốc Thăng Long, không đơn giản để chen chân được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung, cho dù chỉ là cung ứng bao bì. 

“Samsung đòi hỏi chất lượng rất cao, rất khắt khe, cả về số lượng và thời gian giao hàng, giá cả cũng phải cạnh tranh và không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được”, ông nói. 

Chuyện tương tự cũng đang diễn ra ở công ty Việt Hưng. Bắt đầu cung cấp bao bì carton, nhựa, pallet giấy... cho Samsung từ tháng 4/2009, nhưng quy mô của Việt Hưng cho đến nay còn lớn hơn cả Thăng Long. 

Hiện Việt Hưng đang tạo việc làm cho khoảng 1.400 người và với doanh thu tăng theo cấp số nhân, từ 13 triệu USD năm 2010 lên 42 triệu USD trong năm 2014 và năm nay, con số dự tính là 65 triệu USD...

8 tiêu chuẩn cho nhà cung cấp 

Công nghệ, chất lượng, trách nhiệm, giá cả, giao hàng, môi trường, tài chính và luật pháp, đó là 8 tiêu chuẩn quan trọng nhất mà Samsung đặt ra với các nhà cung cấp, bao gồm cả Việt Nam lẫn nước ngoài. 

Trong đó, tuân thủ pháp luật và bảo vệ môi trường là hai yếu tố được Samsung coi trọng nhất.

Phó tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Việt Nam Jang Ho Young nói, ngay sau khi Samsung công khai các tiêu chuẩn này khi triển khai tìm kiếm nhà cung cấp cho khoảng gần 200 loại linh kiện khác nhau, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã thốt lên rằng, đó là những điều kiện quá khắt khe mà doanh nghiệp Việt không thể đáp ứng được. 

Thậm chí, còn có quan điểm cho rằng, Samsung cố tình “làm khó” doanh nghiệp Việt.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina khẳng định: sở dĩ có yêu cầu cao như vậy do Samsung là nhà sản xuất và cung ứng toàn cầu, nên cũng phải đáp ứng tất cả các điều kiện mà thị trường thế giới đặt ra. 

Vấn đề nằm ở chỗ, dù tiêu chuẩn khắt khe, vẫn có những doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được, mà hai doanh nghiệp kể trên là những ví dụ điển hình. 


Chưa kể, theo ông Jang Ho Young, hiện có 41 doanh nghiệp Việt đang hợp tác với Samsung. Trong đó, có 2 nhà cung cấp cấp 1, 28 nhà cung cấp cấp 2, ngoài ra còn các doanh nghiệp mà Samsung đang xem xét, nghiên cứu để hợp tác. 

Con số này đã tăng mạnh so với năm ngoái. “Chúng tôi luôn rộng cửa cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Jang Ho Young khẳng định.

Cũng có một yêu cầu mà không ít doanh nghiệp Việt Nam đã đặt ra với Samsung, đó là hãy hỗ trợ về công nghệ, thậm chí là vốn và cam kết mua sản phẩm, như vậy thì mới sẵn sàng cùng Samsung bước vào “cuộc chơi” mới. Nhưng thực tế, việc đặt điều kiện như vậy chẳng khác nào “quả trứng hay con gà” có trước.

Theo Minh Tú

VnEconomy

 

Nguồn: VnEconomy