Các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung chuyển đổi rừng nghèo sang phát triển trồng cao su, không những hình thành các vùng chuyên canh cây cao su tập trung mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào trên địa bàn.

Chỉ riêng tại Đắk Lắk, từ năm 2010 đến nay, các doanh nghiệp tham gia sản xuất cao su đã thu hút được trên 1.851 lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân.

Tuy nhiên, do nhiều vùng đất có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không thích hợp cộng với việc trong vài năm trở lại đây giá mủ cao su xuống thấp, nhiều doanh nghiệp không quan tâm đầu tư chăm sóc nên nhiều vườn cao su có tỷ lệ chết cao hoặc kém phát triển.

Tỉnh Gia Lai đã giao 6.000 ha đất ở huyện Chư Pưh cho 7 doanh nghiệp để trồng cao su nhưng đến nay chỉ mới trồng được 4.400 ha, đã có 400 ha cao su bị chết. Tại huyện Ia Pa tỉnh Gia Lai giao cho Công ty Cổ phần trồng rừng công nghiệp 1.500 ha đất, nhưng nay cũng mới trồng được 800 ha cao su, trong đó đã có 50 ha bị chết, diện tích cao su còn lại kém phát triển.

Tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk), tỉnh đã giao 13 dự án, với diện tích gần trên 10.600 ha rừng nghèo cho các doanh nghiệp chuyển sang trồng cao su, nhưng các doanh nghiệp chỉ mới trồng được trên 1.600 ha.

Qua kiểm tra, nhiều dự án trồng cao su trên địa bàn kém hiệu quả như Công ty TNHH Anh Quốc từ năm 2011 đã trồng 100 ha cao su trên đất rừng khộp nhưng đến nay, toàn bộ diện tích cao su mới trồng đều bị chết. Công ty TNHH Minh Hằng trồng 50 ha trên vùng đất không thích hợp nên bị vàng lá kém phát triển….

Các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục kiểm tra, rà soát lại các dự án chuyển đất rừng nghèo sang trồng cao su để chỉ đạo, đôn đốc nhắc nhở, các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện đúng tiến độ, nội dung dự án và các quy định hiện hành của Nhà nước, chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành chức năng ở địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, các vấn đề liên quan đến tuyển dụng, quản lý lao động, giải quyết tranh chấp về đất đai liên quan đến các dự án trồng cao su.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng tạm dừng hoặc thu hồi chủ trương đối với các dự án được UBND tỉnh cho chủ trương khảo sát, lập dự án mà không triển khai hoặc chậm triển khai, thu hồi đất, rừng đối với các dự án đã có quyết định cho thuê đất, thuê rừng nhưng đã quá thời hạn quy định mà không triển khai hoặc triển khai chậm.

Chỉ riêng tại Đắk Lắk, qua kiểm tra, tỉnh đã chấm dứt thực hiện 21 dự án trồng cây cao su với diện tích 16.036 ha đối với các doanh nghiệp do không triển khai thực hiện, vi phạm các quy định của Nhà nước…

Quang Huy
TTXVN

Nguồn: TTXVN