Ngày 21/8, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với JICA tổ chức Hội thảo Liên kết doanh nghiệp trong việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ 6 ngành công nghiệp trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Tại hội thảo này, các doanh nghiệp đều phàn nàn về việc tiếp cận những chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ.

Ông Vũ Tấn Công, Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng các chính sách hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp hỗ trợ cũng chỉ giống như “món ăn tinh thần”. Bởi vì rất khó để doanh nghiệp nhận được khoản vay/tín dụng từ các ngân hàng.

Trong khi đó, các loại vật liệu như luyện hợp kim nhôm, sản xuất vật liệu chất dẻo, cao su… là “thức ăn” của mọi công nghiệp chế tạo, hầu hết nguyên liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô đều phải nhập khẩu.

“Nói khác đi, không thể có công nghiệp chế biến chế tạo khi không có công nghiệp sản xuất vật liệu. Có thể nói rằng công nghiệp sản xuất vật liệu Việt Nam còn rất nhỏ bé và hạn chế về trình độ công nghệ” – ông Vũ Tấn Công chia sẻ.

Để các chính sách thiết thực hơn, đại diện VAMA đề xuất Việt Nam thành lập 3 cụm công nghiệp hỗ trợ ô tô, một ở Hải Phòng, một ở khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng và một ở khu vực Đồng Nai – TP.HCM – Bình Dương. Tất cả các khu vực trên đều gần các cảng biển để dễ dàng xuất khẩu và cung ứng chi tiết-tổng thành ô tô cho các nhà sản xuất trong nước.

Đại diện VAMA cũng muốn hiện thực hóa chủ trương khuyến khích nội địa hóa bằng cách cho nhà sản xuất, lắp ráp ô tô được hưởng một khoản hoàn thuế dưới dạng tín dụng bằng khoảng 5-10% giá trị của linh phụ kiện ô tô mua trong nước phục vụ cho việc sản xuất lắp ráp ô tô.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng chung tâm trạng này. Bà Hương cho rằng chính sách hỗ trợ nhiều nhưng doanh nghiệp tiếp cận được ít.

“Mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đã nhận ưu đãi là công ty Kyocera Nhật Bản” – bà Hương cho biết.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu rất lớn, nhưng cũng giống như ngành dệt may, công nghiệp điện tử của Việt Nam chưa có giá trị gia tăng lớn như một số nước khác. Tỷ trọng công nghiệp điện tử đóng góp vào GDP cả nước chưa tương xứng với tỷ trọng của ngành điện tử trong kim ngạch xuất khẩu.

Theo tin từ Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV), trong số 60 nhà cung ứng linh kiện hiện tại cho SEV, thì có 45 nhà cung cấp của Hàn Quốc, 5 của Việt Nam và 10 là từ các quốc gia khác.

Theo bà Hương, hầu hết các doanh nghiệp trong công nghiệp phụ trợ ngành điện tử là các doanh nghiệp FDI trong chuỗi cung ứng sẵn có của các nhà sản xuất thiết bị cuối cùng. Rất ít doanh nghiệp Việt Nam cung cấp được linh kiện và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Công nghiệp hỗ trợ Việt nam vẫn chưa phát triển được như mong muốn, hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà sản xuất gốc. Chính vì vậy, giá trị gia tăng nội địa của công nghiệp điện tử Việt Nam vẫn thấp khi so sánh với các nước khác trên thế giới.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định nguồn lực tài chính hạn chế là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà tham gia công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên chính sách tài chính đối với công nghiệp hỗ trợ cũng chỉ là “ưu tiên xem xét”.

“Mặc dù chính sách khuyến khích và ưu đãi đã được ban hành nhưng việc triển khai chưa thực sự đi vào thực tế’” – ông Ánh nói.

Đồng tình quan điểm này, TS Nguyễn Mạnh Dũng, Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) nói: Nếu chính sách hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ chỉ hô hào chung chung thì mãi cũng chỉ vậy thôi.

Hà Nam