Theo quy định, thời hạn áp thuế chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan sẽ kết thúc vào ngày 16-6 tới. Sau thời gian này, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) sẽ ra quyết định cuối cùng về việc có áp thuế CBPG, CTC đối với đường nhập khẩu hay không, nếu có mức thuế sẽ là bao nhiêu…

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 12-5 vừa qua, cục đã tổ chức buổi tham vấn công khai theo hình thức trực tuyến dành cho các bên liên quan trong vụ việc điều tra CBPG, CTC đối với sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Buổi tham vấn đã diễn ra với sự tham dự của hơn 80 đại biểu đại diện cho các nhóm bên liên quan đến vụ việc, bao gồm đại diện Chính phủ và các doanh nghiệp đường Thái Lan, đại diện doanh nghiệp mía đường Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu và các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm thuộc đối tượng điều tra, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)…
Sau buổi tham vấn, Cục Phòng vệ thương mại ghi nhận tất cả các ý kiến liên quan và sẽ đưa ra kết quả cuối cùng trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp, nhà máy đường trong nước đã có nhiều ý kiến tham gia vào quá trình điều tra áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan của Bộ Công Thương.
Theo đó, hầu hết các ý kiến đồng tình với việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại, áp thuế CBPG, CTC đối với các sản phẩm đường từ Thái Lan.
Riêng về chênh lệch mức thuế CBPG, CTC giữa các sản phẩm đường tinh luyện và đường thô, hiện vẫn có sự tranh cãi giữa một số doanh nghiệp trong ngành.
Theo một nguồn tin của Kinh tế Sài Gòn Online, mới đây, một số doanh nghiệp sản xuất đường tinh luyện từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng như doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm có sử dụng đường đã có văn bản gởi Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đề xuất chính thức áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.
Theo các đơn vị này, mức thuế CBPG, CTC đối với đường tinh luyện là 48,88% theo như kết quả điều tra của Bộ Công Thương, tuy nhiên, mức thuế CBPG, CTC đối với đường thô nên thấp hơn đường tinh luyện với mức chênh lệch tối thiểu là 15%, đề xuất ở mức 20-25%.
Về đề xuất này, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng không hợp lý và nếu được Bộ Công Thương đồng tình, sẽ khiến việc sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu không đem lại hiệu quả vực dậy ngành mía đường Việt Nam.
Cụ thể, kết quả điều tra của Bộ Công Thương cho thấy các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế CBPG, CTC tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%.
Lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam vẫn tăng dù bị áp thuế CBPG, CTC. Nguồn: VSSA.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế - xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước, ngày 9-2-2021, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế CBPG, CTC đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88% (thấp hơn mức phá giá trong kết quả điều tra), bắt đầu từ ngày 16-2 và có hiệu lực trong vòng 120 ngày.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng mức thuế CBPG, CTC đối với đường thô thấp hơn mức bán phá giá nêu trên cần được xem xét nhiều mặt. Vì điều này không chỉ tác động đến thị trường tiêu thụ mà còn tác động mạnh đến hoạt động sản xuất đường từ mía trồng trong nước.
Cụ thể, sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế tạm thời thuế CBPG, CTC đối với đường nhập khẩu, giá mua mía trong nước niên vụ 2020/2021 đã tăng từ 150.000- 200.000 đồng/tấn mía so với trước đây, lên mức trên dưới 1 triệu đồng/tấn.
Mức giá này đã tiệm cận với giá mía trong khu vực ASEAN (khoảng trên dưới 50 đô la Mỹ/tấn mía). Cũng theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ước tính giá bình quân đường thô Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam sau khi chịu thuế 33,88% (giai đoạn 2019-2020) là 10,8 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cách tính được các quốc gia trồng mía trong ASEAN thừa nhận, giá mía chiếm từ 65-70% giá đường. Tức là với giá đường thô khoảng 10,8 triệu đồng/tấn thì giá thu mua mía chỉ còn khoảng 702.457- 756.492 đồng/tấn, thấp hơn rất nhiều so với mức một triệu đồng/tấn như trong niên vụ 2020/2021 vừa qua.
"Do đó, nếu mức thuế CBPG, CTC đối với đường thô nhập khẩu từ Thái Lan thấp hơn mức 33,88%, giá đường nhập khẩu sẽ càng rẻ hơn nữa. Khi đó, nhà máy đường sẽ không thể thu mua mía nguyên liệu ở mức một triệu đồng/tấn trong niên vụ 2021-2022 tới đây cho nông dân", một đại diện hiệp hội bình luận.
VSSA de xuat ap thue
Theo nhận định của VSSA, nếu áp thuế CBPG, CTC đối với đường thô ở mức thấp, việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ không đem lại hiệu quả bảo vệ ngành mía đường trong nước như kỳ vọng.
Ảnh: Nam Bình.
Cũng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nếu Bộ Công Thương điều chỉnh mức thuế CBPG, CTC đối với đường thô nhập khẩu chỉ còn 20-25%, sẽ chỉ giúp những đơn vị có nhập khẩu đường thô từ Thái Lan hưởng lợi.
Ngược lại, việc cắt ngắn chuỗi giá trị, loại bỏ nông dân ra khỏi chuỗi khiến nông dân không được hưởng lợi từ chính sách phòng vệ thương mại. Nhà nước cũng sẽ thất thu một khoản thuế rất lớn.
“Thái Lan thực hiện bán phá giá và trợ cấp cho đường thô và trắng như nhau, tại sao lại có hai mức thuế phòng vệ thương mại cho hai loại đường? Cơ sở nào để phân biệt hai loại thuế chênh lệch này?” - đại diện hiệp hội đặt vấn đề.
Theo vị đại diện này, phòng vệ thương mại phải bảo đảm cho người nông dân được hưởng giá mía tương đương với các nước trong khu vực. Khi đó ngành đường Việt Nam mới có cơ may tồn tại.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến cuối tháng 5 vừa qua, ngành đường Việt Nam đã kết thúc vụ ép 2020/2021. Lũy kế tổng lượng mía ép được khoảng gần 6,3 triệu tấn mía, sản xuất được 667.208 tấn đường.

Theo nhận định của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong nửa đầu tháng 5-2021 đường có nguồn gốc nhập khẩu bao gồm nhập chính ngạch và nhập lậu tiếp tục làm chủ thị trường, trong khi đường sản xuất từ mía đang tồn kho không tiêu thụ được.
Nguồn cung đường đang đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường trong tháng 6 tới nên sẽ không xảy ra tình trạng thiếu hụt. Tuy nhiên, ưu thế thị trường vẫn đang thuộc về các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.

Nguồn: Nam Bình/KTSG