1. Công nghiệp phục hồi và tăng trưởng mạnh (chỉ số sản xuất công nghiệp tăng xấp xỉ 10% (cao hơn nhiều và cao nhất so với mức tăng trong 5 năm 2011-2015).

Theo báo cáo của Chính phủ, sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối; năm 2015 tăng khoảng 10%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5%/năm; loại trừ yếu tố giá còn tăng khoảng 5,6%, trong đó năm 2015 tăng 8,7%, cao nhất kể từ năm 2011. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên. Tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,42% năm 2010 lên 82,5% năm 2015. 

 

2. Ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc; Ký Hiệp định thương mại biên giới với Lào; Kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.

Trong năm 2015, hàng loạt hiệp định khác được ký kết và có hiệu lực, như: hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (RCEP); FTA với Liên minh châu Âu; Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); FTA Việt Nam – Hàn Quốc; tiếp tục cắt giảm thuế quan theo cam kết tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…

Những hiệp định trên sẽ mở ra cho Việt Nam vận hội mới để hội nhập và phát triển, khi thị trường xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của nước ta được mở rộng, như: các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày…

3. Kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP;

 

Tối 5/10/2015 theo giờ Việt Nam, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari, Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản, đã thông báo cuộc đàm phán đã kết thúc sau một tuần họp ở Atlanta và sau hơn năm năm đàm phán căng thẳng. TPP là một thỏa thuận toàn diện, sẽ mở cửa các thị trường với các chuẩn mực thương mại cao. Tham gia hiệp định TPP, các nước cam kết giảm và miễn thuế đối với nhiều loại hàng hóa xuất nhập khẩu. Các nước cũng đồng thuận về nhiều quy định liên quan đến môi trường, quyền sở hữu trí tuệ…

4. Phát điện tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện lai Châu, sớm hơn 3 tháng so với tiến độ.

Sáng 23/12, Tổ máy số 1 nhà máy thủy điện Lai Châu đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia sau gần 5 năm xây dựng, sớm gần một năm so với dự kiến.

Công trình thủy điện Lai Châu, cung cấp lượng điện trung bình khoảng 4,7 tỉ kWh mỗi năm, với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. 
Nhiệm vụ chính  của dự án là: Cung cấp điện cho Hệ thống điện Quốc gia và phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu, Điện Biên và khu vực Tây Bắc, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

5. Khánh thành Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai.

Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 là một trong những công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Sau gần 4 năm khởi công xây dựng và vận hành chạy thử, nhà máy chính thức đi vào hoạt động.

Dự án được khởi công xây dựng trên diện tích 72,4 ha tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Với quy mô công trình công nghiệp hoá chất cấp 2 Quốc gia, Dự án có tổng mức đầu tư 5.170,9 tỷ đồng. Công ty cổ phần DAP số 2 thực hiện Dự án thông qua tổng thầu EPC1 (thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng) của nước ngoài, chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án và có thuê tư vấn nước ngoài quản lý thi công gói thầu EPC1. Nhà máy sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến chủ yếu của Mỹ và các nước châu Âu. Theo thiết kế, Nhà máy có năng lực sản xuất mỗi năm 330.000 tấn phân bón diamon photphat với tổng hàm lượng dinh dưỡng hơn 61% và các sản phẩm trung gian như 420.000 tấn axit sulfuric đậm đặc và 162.000 tấn axit photphoric, thời gian vận hành đạt 330 ngày/năm.

6. Năm đầu tiên thực hiện thành công Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, qua đó đã góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch trong điều hành xăng dầu, bảo đảm nguyên tắc vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước.

 

Nhằm tăng cường tính cạnh tranh giá giữa các thương nhân, đồng thời bảo đảm giá bán lẻ trong nước bám sát giá thế giới, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 83) quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày/một lần (Khoản 1 Điều 38) thay vì 10 ngày/một lần như Nghị định số 84/2009/NĐ-CP quy định; giá cơ sở được tính toán trên cơ sở bình quân giá thế giới 15 ngày sát với ngày tính giá (Khoản 9 Điều 3) thay vì bình quân giá thế giới 30 ngày gần ngày tính giá như Nghị định số 84/2009/NĐ-CP quy định.

7. Ngày 12 tháng 8 năm 2015, có dòng dầu thương mại đầu tiên tại mỏ Bir-Seba lô 433a-416b ở Algeria

Sau hơn 10 năm chờ đợi, vào lúc 11 giờ 10 ngày 12/8 giờ Algeria (17 giờ 10 giờ Việt Nam), Hệ thống xử lý trung tâm (CPF) - Dự án phát triển khai thác mỏ Bir Seba (BRS) lô 433a-416b của Nhà điều hành GBRS (Algeria) - đã chính thức tiếp nhận dòng dầu của bốn giếng khai thác đầu tiên (BRS-6bis, BRS-9, BRS-12 và BRS-14) và ngọn lửa Flare đã chính thức rực cháy trên sa mạc Sahara, miền Nam Algeria.

Như vậy, sau 12 năm miệt mài lao động (2003-2015), dự án phát triển khai thác mỏ Bir Seba, Algeria đã chính thức có dòng dầu khai thác đầu tiên.

Đây là sự kiện vô cùng quan trọng đánh dấu rõ nét thành quả của PVEP/PVN cũng như các đối tác sau khi đã trải qua rất nhiều khó khăn và thử thách. 

8. Tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước ngành công thương lần thứ 2

Ngày 19/9/2015, Đại hội Thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ II đã long trọng diễn ra tại Hà Nội nhằm tôn vinh những tấm gương tiêu biểu là Anh hung Lao động, Chiến sỹ thi đua, tập thể điển hình tiên tiến và cá nhân xuất sắc, đại diện cho đông đảo các tầng lớp lao động ngành Công Thương từ khắp mọi miền tổ quốc

9. Hạ thuỷ dàn khoan Tam đảo 05 - Công trình trọng điểm nhà nước về cơ khí.

Giàn khoan Tam Đảo 05 là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia, giàn tự nâng lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam tự thiết kế và chế tạo. Công trình được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Mỹ, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Toàn bộ phần thiết kế chi tiết và lắp đặt đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam đảm nhiệm. Giàn Tam Đảo 05 có tổng khối lượng hơn 18 nghìn tấn, chiều dài thân giàn 167 m, tổng mức đầu tư 230 triệu USD, có khả năng khoan sâu tới 9.000 m. Sau 21 tháng thi công với nhiều công đoạn phức tạp, PV Shipyard đã hoàn thành và hạ thủy thành công giàn Tam Đảo 05.

10. Cơ bản kết thúc cổ phần hoá các Tổng công ty, Công ty thuộc ngành công thương.

Tính đến tháng 12/2015, Bộ Công Thương đã hoàn thành và chuyển đổi 8 doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, gồm: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam, Công ty TNHH MTV Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty TNHH MTV Điện máy, Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại , Công ty TNHH Viện máy và dụng cụ công nghiệp IMI, Công ty TNHH MTV Caric, Công ty TNHH MTV Cơ khí Duyên hải trực thuộc Tổng Công ty máy và thiết bị công nghiệp. Trong đó có 3 doanh nghiệp nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối là Tổng công ty Dầu Thực vật Việt Nam, Công ty TNHH MTV Du lịch và Xúc tiến thương mại, Công ty TNHH MTV Caric trực thuộc Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp). Hiện nay, tổng số vốn nhà nước còn nắm giữ ở 8 doanh nghiệp trên đạt hơn 3.600 tỷ đồng

Giang Thư