Hội nghị do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đồng chủ trì, với sự tham dự của trên 600 đại biểu, trong đó có trên 300 đại biểu từ các Hiệp hội, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, mặc dù tình hình kinh tế trong nước cũng như quốc tế chịu ảnh hướng không nhỏ từ dịch COVID-19 nhưng ngành chế biến và xuất khẩu gỗ của nước ta vẫn đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của nước ta trong năm 2020, góp phần duy trì đà phát triển xuất khẩu trong bối cảnh trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, cạnh tranh, yêu cầu về đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp tại nhiều thị trường xuất khẩu, nhưng xuất khẩu gỗ vẫn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực với kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt 9,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019; là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất với tỷ trọng chiếm 4,26% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tính riêng mặt hàng sản phẩm từ gỗ đạt 7,46 tỷ USD, chiếm 76,28% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ sự thông thoáng của hệ thống pháp luật trong nước cùng với các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được Việt Nam ký kết như: CPTPP, EVFTA và Hiệp định RCEP. Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới có mức độ cam kết cao, toàn diện sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, giúp doanh nghiệp gỗ Việt tiệm cận vị trí “mắt xích” quan trọng trong các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ hiện có với khách hàng toàn cầu, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến các người mua hàng tiềm năng, thúc đẩy tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ giữa Việt Nam và nhiều khu vực, nhiều quốc gia.
Các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới hướng tới việc tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ. Về thuế suất, các nước ký Hiệp định thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4-6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác.
Thách thức trong thời gian tới
Tuy nhiên, cùng với các cơ hội và thuận lợi nêu trên, ngành gỗ đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong thời gian tới.
Về yếu tố khách quan, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, thương mại toàn cầu thời gian qua mặc dù đã có những tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang trở nên căng thẳng. Chiến tranh thương mại giữa các cường quốc và chủ nghĩa bảo hộ mang đến những nguy cơ, tác động tiêu cực đối với xuất khẩu của Việt Nam nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng. Sự gia tăng cạnh tranh của các nước sản xuất chính trên thế giới, cả về giá cả, mẫu mã, chất lượng,…sự gia tăng đầu tư công nghệ tiên tiến để chế biến gỗ xuất khẩu của các nước ASEAN. Bên cạnh đó, các quốc gia trồng rừng và cung cấp nguyên liệu lớn trong khu vực đã và đang có các chính sách hạn chế, quản lý chặt chẽ việc khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Nhận thức của người dân cũng như của Chính phủ các nước về bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp.
Trong khi đó, về yếu tố chủ quan, thứ nhất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phần lớn chưa thực sự mạnh, thiếu bền vững (đầu tư dàn trải, quy mô nhỏ, sử dụng nguồn vốn vay, ít có khả năng đầu tư công nghệ và quy trình quản lý chuỗi tiên tiến; chủ yếu là gia công, phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng, thiết kế cũng như mẫu mã của khách hàng…); Thứ hai, các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam (như nhiều nhân công, lao động rẻ) không còn chiếm ưu thế như trước; Thứ ba, nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, trong khi việc kiểm soát nguồn gốc gỗ nhập khẩu hợp pháp chưa được chặt chẽ; Bốn là, chưa có chính sách tổng thể, đồng bộ để tạo sức bật cho toàn ngành, do đó ngành chế biến, xuất khẩu gỗ vẫn mang tính tự phát, tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành chưa cao, tạo áp lực cạnh tranh trong nội bộ và làm suy yếu khả năng cạnh tranh của toàn ngành.
Giải pháp phát huy thế mạnh trong thời gian tới
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, để phát huy thế mạnh, tiềm năng của ngành chế biến gỗ, và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong những năm tới đây, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai một số giải pháp nhằm thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ trong thời gian tới như sau:
Về công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phổ biến lợi ích mà các Hiệp định này mang lại để hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tối ưu thị trường. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như các thị trường mới nổi, tiềm năng.
Về việc đảm bảo nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, trong thời gian tới, Việt Nam cần duy trì chính sách nhập khẩu thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu cũng như có chính sách đảm bảo nguồn nguyên liệu. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: (i) sớm có quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến gỗ, đồng thời tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang tăng trưởng cao; (ii) xem xét việc miễn kiểm dịch thực vật đối với gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu khi các nước xuất khẩu gỗ cho Việt Nam đã có giấy kiểm dịch thực vật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại là vấn đề rất quan trọng với ngành gỗ. Trong đó, Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA FLEGT, một bộ phận của EVFTA sẽ tác động rất lớn đến ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm đưa Hiệp định VPA/FLEGT vào thực thi và thực hiện nghiêm túc; thực hiện kiểm soát việc nhập khẩu gỗ thuộc danh mục CITES theo đúng quy định.
Để tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho ngành, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính, các địa phương bố trí kinh phí cho các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của ngành công nghiệp gỗ, XTTM, xây dựng quảng bá thương thiệu ngành gỗ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ưu tiên triển khai các chương trình đào tạo, nâng cao tay nghề, đảm bảo cung ứng nhân lực cho ngành sản xuất, chế biến gỗ; hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, các trường dạy nghề trong việc đào tạo thiết kế nội ngoại thất.
Về nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc cũng như phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác lợi thế hiện có của ngành chế biến gỗ hướng tới đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA thông qua đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi FTA, hướng tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu rõ và nắm được quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu; tổ chức việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hướng hiện đại hóa, điện tử hóa, tăng cường triển khai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và trên cơ sở lợi thế về điều kiện tự nhiên, lao động, sản xuất tại địa phương để phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực và có kế hoạch thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến các mặt hàng này hướng tới xuất khẩu; có định hướng xuất khẩu phù hợp và cụ thể đối với những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của địa phương.
Các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Tăng cường hợp tác, tạo lập và hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất nguyên liệu đến xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng, chú trọng xây dựng thương hiệu Việt cho các sản phẩm xuất khẩu; Chủ động triển khai các hoạt động liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung , bao gồm cả khu công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho chế biến gỗ; Nắm bắt, tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA mang lại, nhất là tập trung khai thác một số FTA vừa được ký giữa Việt Nam với một số thị trường, tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới nổi, tiềm năng, đa dạng hóa thị trường; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cùng với các chi hội của mình cần tiếp tục phát huy vai trò tập hợp doanh nghiệp, nắm bắt thông tin, kết nối với các cơ quan quản lý nhằm kiểm soát tốt tình hình.