Đó là thông tin ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết tại buổi họp báo về công tác xuất, nhập, bảo quản hàng dự trữ quốc gia phục vụ chính sách an sinh xã hội tổ chức ngày  25/9 tại Hà Nội.

Ông Thời cho hay, theo kế hoạch, lượng dầu thô dự trữ quốc gia cần mua là 150.000m3; tuy nhiên có thể trước mắt chỉ mua khoảng 30.000m3 dầu thô dự trữ, tức chỉ bằng 20% kế hoạch ban đầu.

Theo ông Thời, kế hoạch thay đổi vì ngân sách trong năm 2014 và năm 2015 còn khó nên việc cân đối vẫn đang được tính toán. Cơ quan chức năng đang cân nhắc nguồn thu để tính toán mua dự trữ ngay hoặc lùi lại 1-2 năm tới.

Đồng thời, kho để dự trữ dầu thô hiện chưa có và hiện vẫn phải dùng bồn của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi). Trong khi, đơn vị này chỉ còn dư một bồn chứa. Những bồn còn lại tại Dung Quất hiện đang được dùng để dự trữ cho sản xuất của chính đơn vị này. Do đó, nếu khí mua đủ cả 150.000m3 thì sẽ không có kho chứa.

Cũng theo vị lãnh đạo này, Bộ Tài chính cũng như các đơn vị liên quan đã trình Thủ tướng Chính phủ các vấn đề trên và đề xuất chỉ nên đưa Dung Quất dự trữ khoảng 30.000m3.

Về nguồn mua dầu thô khi bố trí được ngân sách, đại diện ngành tài chính cho hay, quan điểm của cơ quan chức năng là không mua của nước ngoài mà lấy trực tiếp từ mỏ dầu Bạch Hổ.

Ngoài ra, đại diện Tổng cục dự trữ Nhà nước cho biết, tổng giá trị hàng dự trữ quốc gia đến nay chiếm khoảng trên 0,21% GDP. Trong đó, các Bộ, ngành quản lý khoảng 72%, Bộ Tài chính quản lý khoảng 28% tổng mức dự trữ quốc gia. Riêng lượng xăng dầu dự trữ khoảng trên 400.000 m3, đạt khoảng 80% so với định hướng chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020, đáp ứng nhu cầu khoảng 7- 8 ngày sử dụng.

  Huyền Thương