Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Sơ kết  6 tháng đầu năm 2015 về tình hình thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", ngày 24/7 ở Hà Nội. 
Xin bà cho biết những kết quả đạt được của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 6 tháng đầu năm 2015? 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Chương trình triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong 6 năm qua và 6 tháng đầu năm nay đã có những tiến bộ rất đáng kể.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội - (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức cho thấy, 92% người tiêu dùng được hỏi rất quan tâm và quan tâm đến Cuộc vận động; 63% số người tiêu dùng "tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; 54% người tiêu dùng "khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết nên mua hàng Việt Nam".

Bộ Công Thương đã phối hợp với các quan báo chí trong cả nước, có hàng trăm bài viết về chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, số lượng hội chợ, chương trình đưa hàng Việt đến vùng sâu vùng xa, hội chợ xúc tiến thương mại trong nội địa lên gần 400.000 cùng với hàng triệu lượt người tham gia...

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết khi vào siêu thị, người tiêu dùng hỏi đây có phải là hàng Việt Nam không? Như vậy, đối với chương trình vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã chuyển biến dần rõ rệt, nâng cao khẩu hiệu từ ưu tiên dùng hàng Việt sang tự hào dùng hàng Việt. 
Ngoài ra, về cơ chế chính sách, 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giảm 81 thủ tục hành chính, hàng loạt trang web thông tin được ra đời nhằm giúp người dân tiếp cận minh bạch về sản phẩm hàng hóa như xăng dầu, điện...  Thực hiện tích cực các chương trình giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi của mình khi sử dụng hàng không đảm bảo chất lượng yêu cầu.

Một điều đáng lưu ý là lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh bạ vật tư, phụ tùng sản xuất trong nước bao gồm15 nhóm sản phẩm, hơn 600 doanh nghiệp. Từ đó giúp nhà sản xuất, nhà thầu, chủ đầu tư có địa chỉ tra cứu, tìm hiểu, mời thầu hoặc sử dụng sản phẩm trong danh bạ. 
Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện tình trạng làm giả hàng Việt Nam tại nước ngoài rồi đưa trở lại Việt Nam tiêu thụ đang diễn ra phổ biến, thưa bà?
Hiện nay, hàng hóa của chúng ta đã được người tiêu dùng tin yêu, tự hào sử dụng hàng Việt. Đây là điều đáng mừng để chúng ta thấy rằng có sự thay đổi rõ rệt trong tâm lý của người tiêu dùng. Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường để hàng hóa Việt Nam có thể tham gia vào thị trường một cách bình đẳng. 
Ngoài ra, trong hội nghị cũng có nhiều ý kiến đề nghị rằng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp có cổ phẩn dưới 51% vốn nhà nước nên được tham gia đấu thầu vào những dự án có vốn vay nước ngoài. Vấn đề này chúng tôi sẽ phối hợp với các bạn bộ ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Khi chúng ta tự tin tham gia vào các dự án lớn, các gói thầu lớn chứng tỏ trình độ hàng hóa của chúng ta nâng cấp lên, sẵn sàng cạnh tranh một cách bình đẳng với các doanh nghiệp nước ngoài.
Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh quảng bá đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng cả nước. 
Vậy, trong 6 tháng cuối năm, Chương trình vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sẽ có những giải pháp nào để đem lại kết quả cao hơn nữa , thưa bà?

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cụ thể hóa bằng các chương trình nhằm tăng cường thông tin tuyên truyền, kết hợp với các cơ quan báo chí để tuyên truyền một cách có hiệu quả hơn nữa cuộc vận động. Cùng với đó, Bộ sẽ kết nối với các Sở Công Thương tiếp tục tiêu thụ sản phẩm của vùng miền, sản phẩm công nghiệp ở địa phương.


Đặc biệt, trong thời gian cuối năm, Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh tiêu thụ hàng công nghiệp trong nước sản xuất được, trong đó có cả hàng tiêu dùng và hàng nguyên vật liệu bán thành phẩm trong nước sản xuất. Tiếp đến là các sản phẩm nông sản, đặc sản ngon vùng miền để giới thiệu, quảng bá. Chẳng hạn như vừa qua Bộ đã triển khai chương trình phối hợp với tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tiêu thụ vải thiều có kết quả rõ, tiêu thụ nội địa tăng rõ, tạo tiền đề tốt cho các tỉnh sau này.

Bộ cũng sẽ phối hợp với các địa phương Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng...triển khai hàng loạt chương trình nhận diện thương hiệu Việt từ nay đến cuối năm. Đây là chương trình nhằm truyền thông hơn nữa sản phẩm Việt có chất lượng và uy tín nhưng chưa được tuyên tuyền rộng rãi. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức các chương trình kêu gọi doanh nghiệp FDI tham gia tích cực chương trình vận động, sử dụng nhiều hơn nữa sản phẩm của họ sản xuất tại Việt Nam để tăng tỉ lệ nội địa hóa. 

Xin cảm ơn bà! 
Kiều Linh thực hiện