Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Lãnh đạo UBND cấp tỉnh, Sở Công Thương, UBND cấp huyện, Trung tâm khuyến công và đại diện các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn tiêu biểu của một số địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện các hoạt động khuyến công
Năm 2021 là năm đầu thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, cũng là năm đầu tiên, hầu hết các địa phương trên cả nước đã tích cực xây dựng và triển khai chương trình khuyến công địa phương giai đoạn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Do đó các hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Vì vậy, Bộ Công Thương xác định, Nghị quyết số 105/NQ-CP là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh thực hiện các hoạt động khuyến công, góp phần hỗ trợ kịp thời và thiết thực đối với các đối tượng thụ hưởng.
|
Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung phát biểu tại Hội nghị
|
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Quang Trung- Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, cho biết: Gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đến nền kinh tế. Cả nước đang nỗ lực cao nhất, thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, chương trình khuyến công quốc gia (KCQG) và địa phương năm 2021 tiếp tục khắc phục những khó khăn, thách thức, huy động được các nguồn lực tham gia đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đầu tư, ổn định phát triển, khôi phục sản xuất sau đại dịch.
Năm 2021, tổng kinh phí khuyến công của cả nước là 338 tỷ đồng, trong đó kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) là 150 tỷ đồng, kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 188 tỷ đồng.
Đối với chương trình khuyến công quốc gia, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, chương trình chỉ được giao 75,641 tỷ đồng cho 46 địa phương, 5 tổ chức dịch vụ khuyến công và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, đạt 50% tổng dự toán năm 2021, giảm hơn 50% so với kinh phí được giao năm 2020. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, xây dựng tiêu chí và triển khai phương án giao và điều chỉnh kinh phí phù hợp với tình hình chung, tính chất của các đề án/nhiệm vụ, đồng thời quyết định cho phép ngừng, thực hiện do không bố trí được kinh phí đối với một số đề án/nhiệm vụ.
Dù nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng với sự nỗ lực của các đơn vị triển khai công tác khuyến công cấp Trung ương và các địa phương, công tác khuyến công vẫn đạt được những con số đáng ghi nhận. Trong đó, đã có 739 cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường; 14 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; 3000 đối tượng được đào tạo nghề, đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp (DN).
Riêng đối với nội dung bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia, do đặc thù cần thiết động viên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, Bộ Công Thương đã quan tâm và chỉ đạo quyết liệt để tổ chức thực hiện bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia lần thứ tư. Kỳ bình chọn cấp quốc gia năm 2021 có số lượng sản phẩm tham gia nhiều nhất từ trước đến nay với (310 sản phẩm) của 58/63 tỉnh, thành phố gửi đăng ký tham gia. Trong đó, nhóm thủ công mỹ nghệ: 52 sản phẩm; nhóm chế biến nông lâm thủy sản và thực phẩm: 194 sản phẩm; nhóm thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí: 33 sản phẩm, nhóm khác: 31 sản phẩm. Các sản phẩm đăng ký tham gia đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đặc biệt trong nhóm chế biến nông lâm thủy sản.
Hội đồng bình chọn đã tổ chức bình chọn, cấp giấy chứng nhận cho 200 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân
|
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá cao vai trò của khuyến công trong sự phát triển chung của ngành Công Thương. Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, ghi nhận: Tuy gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài nhưng sản xuất CNNT vẫn có đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp, tính chung 11 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng các đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công ngày càng tăng, quy mô sản xuất công nghiệp tại các địa phương liên tục được mở rộng. Hoạt động khuyến công góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp nói chung và CNNT nói riêng với xu hướng chuyển dịch khá rõ ràng và tích cực. Thúc đẩy mối liên kết vùng, liên kết địa phương và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ phát triển sản phẩm CNNT được quan tâm triển khai sâu rộng, các sản phẩm tiêu biểu được thị trường đón nhận và đưa vào hệ thống các kênh phân phối lớn trên cả nước, tạo động lực quan trọng cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho rằng: Vẫn còn những điểm yếu cần tháo gỡ. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất chế biến tại khu vực nông thôn dù đã được quan tâm nhưng nhìn chung còn mức trung bình. Các nguồn lực về vốn, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và tiếp cận với thị trường nước ngoài... trong các cơ sở CNNT còn hạn chế, ảnh hưởng đến quá trình đầu tư đổi mới công nghệ và thay đổi cơ cấu sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Gia tăng hàm lượng công nghệ trong hoạt động khuyến công
Theo đó, trong thời gian tới, để thực hiện tốt các nội dung hoạt động khuyến công; trên cơ sở Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021-2025, Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19 tháng 02 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị tập trung triển khai một số nội dung sau:
Thứ nhất, tạo sự đồng thuận và quyết tâm cao từ trung ương đến địa phương trong việc đẩy mạnh các nội dung hoạt động khuyến công, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, áp dụng các giải pháp sản xuất kinh doanh phù hợp trong điều kiện thích ứng an toàn với diễn biến của dịch Covid-19, nâng cao năng lực và sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Bố trí nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác nhằm thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở CNNT.
Thứ ba, nắm bắt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 gắn với quá trình hội nhập quốc tế, chú trọng công tác chuyển đổi số và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh nhằm tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu đáp ứng yêu cầu thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế; xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh, có vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Tăng dần số lượng các cơ sở sản xuất nhận thức được lợi ích và áp dụng sản xuất sạch hơn, giải pháp kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các cơ sở gắn với yêu cầu của thị trường bằng hình thức trực tiếp hoặc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết vấn đề di dân về khu vực nông thôn do tác động của dịch Covid-19.
Thứ tư, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương.
Thứ năm, tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, cơ sở CNNT đã đạt giải qua các Kỳ bình chọn Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để doanh nghiệp có định hướng chủ động trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm để ngày càng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài.
Thứ sáu, nâng cao năng lực, tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương triển khai các đề án nhiệm vụ khuyến công; quan tâm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường sự phối hợp hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân nhằm thúc đẩy các hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khuyến công, nhất là công tác tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên khuyến công.
Thứ bảy, thông qua cơ quan đại diện tại nước ngoài, thiết lập và tăng cường mối quan hệ hợp tác với đối tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển công nghiệp địa phương nhằm phát triển các hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, đề xuất hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua nhằm tôn vinh, động viên những tổ chức cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho hoạt động khuyến công.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ Công Thương cũng đã tổ chức trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công giai đoạn 2014-2020 và công bố, trao Giấy chứng nhận cho 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.