Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, đặc biệt là vào dịp lễ Tết. Từ việc ảnh hưởng đến sức khỏe, người tiêu dùng dần mất đi niềm tin vào thị trường hàng hóa và các nhà sản xuất. Đây là vấn đề mà các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An đặt ra đối với ngành Công Thương tại phiên thảo luận tổ, Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra vào chiều ngày 18/12.

Theo phản ánh của cử tri ở các vùng nông thôn như: Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An), tình trạng hàng giả, hàng nhái trên địa bàn thời gian qua diễn biến phức tạp với thủ đoạn tinh vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng. Đặc biệt là vào dịp giáp Tết, các thực phẩm dành cho trẻ em sản xuất tại Diễn Châu nhưng dán mác Hà Nội được tiêu thụ khắp nơi. Người dân cũng mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý nhanh, dứt điểm các vi phạm, nhất là phải xử lý nghiêm không để tái diễn.

Kết quả xử lý của các lực lượng chức năng tham gia Ban chỉ đạo 389 tỉnh Nghệ An, trong 11 tháng đầu năm 2017 đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 12.045 vụ, tổng giá trị thu phạt 65.163,69 triệu đồng, chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, nước giải khát, hàng hóa vi phạm sở hữu công nghiệp…

Cũng theo phản ánh của các đơn thị chức năng, để xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là điều không hề đơn giản, bởi các trang thiết bị, phương tiện chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Để lấy mẫu đi kiểm định cần rất nhiều thời gian, điều này dẫn đến tình trạng “rút dây động rừng”, các chủ cơ sở nhanh chóng phi tang tang vật và tìm mọi thủ đoạn để đối phó.

Theo đại biểu Nguyễn Đình Hùng (huyện Con Cuông) việc quản lý hàng xách tay, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc cần phải  được siết chặt. “Lâu nay trên các trang mạng online, các facebook cá nhân, công chức làm vẫn sẵn sàng bán hàng xách tay, mỗi cán bộ, thậm chí học sinh, sinh viên cũng bán hàng xách tay. Mặc dù không có gì trong nhà nhưng cứ thông qua mạng xã hội thông báo ngày mai là có hàng. Xem trên mạng thì long lanh còn khi mua về nhà thì không thể dùng được, tình trạng này rất nhiều”.

Đại biểu Phan Thị Hoan (huyện Nghĩa Đàn) lại cho rằng: “Trên địa bàn TP. Vinh xuất hiện nhiều cửa hàng treo biển “hàng xách tay” với chủng loại hàng hóa rất đa đạng, từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… Các sản phẩm dưới mác “hàng xách tay” được bán với giá cả rất cao, từ hàng trăm, hàng triệu, thậm chí  cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi thì nhân viên bán hàng trả lời là hàng xách tay, nguồn gốc xuất xứ ghi trên bao bì sản phẩm nhưng địa chỉ không rõ ràng”.

Các đại biểu cho rằng, ngành Công Thương và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động bán hàng xách tay, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc thông qua mạng xã hội, để không thất thu nguồn thuế cũng như tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nguồn: Baocongthuong.com.vn