Tham dự lớp có Thạc sỹ Vũ Cường, Phó trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ thị trường Châu Á Thái Bình Dương - Bộ Công Thương; PGS-TS Nguyễn Thừa Lộc - Giảng viên cao cấp trường Đại học kinh tế quốc dân; đại diện Trung tâm Tư vấn & Đào tạo Kinh tế thương mại – Viện Nghiên cứu Thương mại- Bộ Công Thương; Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên cùng hơn 100 học viên là các đại diện lãnh đạo và phòng chuyên môn của Sở Công Thương, cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ công chức viên chức cơ quan thuộc các Sở ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Ngày nay, hợp tác và liên kết kinh tế trên bình diện toàn cầu cũng như khu vực là xu thế tất yếu. Tất cả các quốc gia, dù lớn, dù nhỏ, mạnh hay yếu đều tìm cách để hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả nhất. Việt Nam đã và đang bước vào nền hội nhập kinh tế với những lợi thế và thách thức. Trong suốt 30 năm qua, mặc dù tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp nhưng trong các kỳ đại hội của Đảng, Đảng ta luôn có những nhận thức xác đáng về thời đại, về thế giới và tình hình khu vực để trên cơ sở đó, định hướng những chính sách đối nội và đối ngoại phù hợp, bám sát tình hình.
Phó trưởng phòng Đông Bắc Á, Vụ thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) Vũ Cường
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được ông Vũ Cường truyền đạt các chuyên đề: Quan hệ Việt Nhật đối với sự phát triển thương mại của Việt Nam; Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) và Hiệp định kinh tế toàn diện Asean (AJCEP) cơ hội và thách thức; ông Nguyễn Thừa Lộc phổ biến chuyên đề: Hiệp định thương mại (FTA’s) thế hệ mới - ứng xử của cơ quan quản lý Nhà nước và Doanh nghiệp. Đây là những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm, với cách trình bày hấp dẫn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học viên.
Thái Nguyên là một trong những tỉnh có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, riêng nhà đầu tư Nhật Bản có một số dự án: sản xuất dụng cụ y tế (của Công ty TNHH Mani Hà Nội, Công ty TNHH Mani Medical Hà Nội); sản xuất và chế biến rau sạch (của Công ty TNHH Dịch vụ phát triển kỹ thuật nông nghiệp Lemond Nhật Bản); dự án Gia công xử lý nhiệt tôi cao tần (của Công ty TNHH KD Heat Technology Thái Nguyên)… Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên như hàng dệt may, điện thoại, sản phẩm kim loại … Vì vậy, các học viên rất quan tâm tới các chuyên đề được phổ biến tại lớp học lần này.
Qua lớp tập huấn, các học viên đã nắm bắt và hiểu rõ hơn về chính sách để vận dụng vào quá trình hội nhập quốc tế của đơn vị, địa phương mình nói riêng và tỉnh Thái nguyên nói chung. Đây cũng là cơ hội để các cán bộ trao đổi thông tin, đề xuất những kiến nghị, vướng mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của mình để các chuyên gia, các nhà quản lý giải đáp.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương