Tham dự đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ có đại diện của mộ số Bộ, ngành và đơn vị như Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Giáo dục Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch… Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã tham gia đoàn công tác của Thủ tướng Công Thương tham dự các Hội nghị.

Hội nghị Cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ay-ây-a-oa-đi - Chao Phray-a - Mê Công lần thứ tám (HNCC ACMECS 8)

Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECS) là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Campuchia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam được thiết lập vào năm 2003 nhằm tăng cường hợp tác kinh tế chung và song phương để khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển. Tham dự Hội nghị cấp cao ACMECS 8 lần này ngoài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn có Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Mi-an-ma U Win Myint, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.

HNCC ACMECS 8 được tổ chức với chủ đề “Hướng tới một Cộng đồng Mê Công kết nối và hội nhập”. Nhìn nhận vai trò và tầm quan trọng về địa kinh tế chiến lược của các quốc gia ACMECS kết nối Ấn độ dương với Thái Bình dương, các nhà Lãnh đạo đã tiến hành rà soát tình hình hợp tác; định hướng các lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy cho giai đoạn tiếp theo; cải tiến cơ chế ACMECS theo hướng tinh gọn và hiệu quả; đề xuất những sáng kiến cụ thể như xây dựng Quỹ ACMECS, Quý tín thác và cơ sở hạ tầng ACMECS… nhằm đưa hợp tác ACMECS đi vào chiều sâu và thực chất.

Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thảo luận và thông qua Kế hoạch tổng thể ACMECS với với tầm nhìn “Xây dựng khu vực ACMECS kết nối đến năm 2023”. Kế hoạch sẽ được triển khai trong thời gian 05 năm (từ năm 2019 tới năm 2023) bao gồm các nội dung: (i) Tăng cường kết nối “hạ tầng cứng” thông qua phát triển vận tải đa phương thức, hạ tầng kết nối điện tử và hạ tàng kết nối năng lượng; (ii) Thúc đẩy kết nối “hạ tầng mềm” thông qua tăng cường hợp tác về thương mại – đầu tư và hợp tác về tài chính; (iii) Phát triển kinh tế thông minh và bền vững thông qua đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy hợp tác về môi trường và quản lý nguồn nước. 

Kết thúc Hội nghị ACMECS 8, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Băng Cốc và nhất trí Campuchia sẽ chủ trì tổ chức HNCC ACMECS 9.

Hội nghị cấp cao hợp tác Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam lần thứ chín (HNCC CLMV 9)

Tham dự HNCC CLMV 9 có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Mi-an-ma U Win Myint và Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.

HNCC CLMV 9 được tổ chức với chủ đề: “Vì sự hội nhập kinh tế và kết nối sâu sắc hơn”. Tại Hội nghị, các nhà Lãnh đạo CLMV đánh giá cao nỗ lực của các nước trong việc phối hợp thực hiện các sáng kiến và kế hoạch hợp tác đề ra từ HNCC CLMV 8 tổ chức tại Hà Nội 2016 như các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư, nâng cao hình ảnh và vị thế của CLMV thông qua hợp tác quảng bá du lịch, phát triển nguồn nhân lực…; tập trung thảo luận các nội dung của Tuyên bố chung của HNCC CLMV 9 bao hàm các định hướng hợp tác mang tính chiến lược giai đoạn tới đây trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng trở nên sâu sắc. Các nhà Lãnh đạo khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các nước thành viên; sử dụng hiệu quả nguồn lực hạn chế của các nước CLMV cũng như hỗ trợ của các Đối tác Phát triển; hợp tác chặt chẽ tạo thuận lợi hóa cho thương mại và đầu tư trong khu vực CLMV; tăng cường kết nối chuỗi giá trị khu vực CLMV trong lĩnh vực nông nghiệp, kết nối hạ tầng viễn thông nhằm giảm các chi phí cho hoạt động thương mại và đầu tư… đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và bảo đảm sự phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực.

Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức HNCC CLMV 10 trong năm 2020.

Bên lề Hội nghị ACMECS 8 và CLMV 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các cuộc họp song phương với Thủ tướng Lào, Thủ tướng Thái Lan và gặp gỡ một số Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Thái Lan như Thái Bev và Tập đoàn SCG. Tại các cuộc họp này, các vấn đề được các bên quan tâm đã được thảo luận nhằm hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư tại Việt Nam cũng như hoạt động của các doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Thái Lan và Lào.

Trước các Hội nghị Cấp cao CLMV 9 và ACMECS 8, đại diện của  Bộ Công Thương đã tham dự các cuộc họp của Nhóm công tác Thương mại – Đầu tư, Công nghiệp và Năng lượng để chuẩn bị nội dung cho các HNCC kể trên. Hiện nay, Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các nước xây dựng Khuôn khổ phát triển CLMV. Khuôn khổ được kỳ vọng sẽ bao gồm các định hướng, lĩnh vực và hoạt động hợp tác cụ thể trong trung, dài hạn nhằm phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của người dân các nước trong khu vực CLMV. Khuôn khổ phát triển CLMV do Chính phủ Đức tài trợ thông qua dự án “Hỗ trợ Sáng kiến hội nhập ASEAN trong khuôn khổ thị trường chung ASEAN”, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2018.

Năm 2017, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước CLMT đạt 18,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 8,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 9,9 tỷ USD. Tính đến hết năm 2018, Việt Nam có 514 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đạt 8,8 tỷ USD từ các nước CLMT, trong đó chủ yếu đến từ Thái Lan với 486 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 8,6 tỷ USD.

Vụ Thị trường châu Á- châu Phi

Nguồn: Moit.gov.vn