Tham dự buổi tiếp và làm việc, về phía Việt Nam có lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương (Vụ Thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Kế hoạch, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học và Tự động hóa-VIELINA, Viện Công nghiệp Thực phẩm). Về phía Ăng-gô-la, có lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công nghiệp Ăng-gô-la như Vụ Hỗ trợ kỹ thuật đối với đầu tư tư nhân, Vụ hợp tác quốc tế, Học viện về đổi mới và kỹ thuật công nghiệp, Viện phát triển công nghiệp Ăng-gô-la.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng hoan nghênh chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của Ngài Quốc Vụ Khanh Ăng-gô-la, đồng thờithông báo cho phía Bạn về quan hệ kinh tế, thương mại và công nghiệp giữa Việt Nam - Ăng-gô-la trong những năm gần đây và giới thiệu tóm tắt về tình hình kinh tế nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đề xuất một số biện pháp tăng cường hợp tác công nghiệp giữa hai nước như: (i) Nghiên cứu khả năng ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp Ăng-gô-la; (ii) Tăng cường trao đổi các đoàn cấp Bộ, các doanh nghiệp thiết lập quan hệ, tìm hiểu cơ hội và phát hiện ra nhu cầu hợp tác của nhau; (iii) Tích cực trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp thông qua các kênh chính thống, bao gồm các Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công nghiệp Ăng-gô-la, các Đại sứ quán của hai nước, các Viện hoặc Trung tâm nghiên cứu chuyên ngành, các Phòng Thương mại và Công nghiệp, các Hiệp hội ngành nghề để hỗ trợ doanh nghiệp hai Bên tìm kiếm đối tác; (iv) Khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp, các nhà đầu tư hai bên mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp đối với một số ngành có thế mạnh của nhau sản xuất phân bón, vật liệu xây dựng, chế biên lương thực thực phẩm, điện tử điện lạnh và tự động hóa, khai khoáng, dầu khí…; (v) Đề nghị Chính phủ Ăng-gô-la tạo điều kiện cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam-PVN sang thăm dò, khai thác dầu khí và cung cấp các dịch vụ liên quan tới dầu khí tại Ăng-go-la trong thời gian tới.
Ngài Kiala Ngone Gabriel, Quốc Vụ Khanh Ăng-gô-la cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu mà Bộ Công Thương dành cho đoàn và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là phát triển thương mại và công nghiệp. Ngài Kiala Ngone Gabriel bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển công nghiệp thông qua buổi làm việc trực tiếp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương về các vấn đề chuyên môn cụ thể và các buổi làm việc, thăm quan, trao đổi trực tiếp với một số Viện Nghiên cứu (VIETLINA, THỰC PHẨM CÔNG NGHỆ), nhà máy/cơ sở sản xuất (cáp điện, điện lạnh, sữa, chế biến lương thực, thực phẩm...). Ngài Quốc Vụ Khanh Ăng-gô-la cũng kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam sang tiến hành đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp tại Ăng-gô-la để sản xuất các loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước của Bạn.
Ăng-gô-la là quốc gia thuộc khu vực Tây Nam Châu Phi, có dân số trên 20 triệu người.Nền kinh tế Ăng-gô-la đang từng bước được tái thiết sau hơn 20 năm nội chiến, tốc độ tăng trưởng cao, và lạm phát được được kiểm soát (từ 325% năm 2000 xuống còn 26,9% năm 2016). Nền kinh tế Ăng-gô-la dựa chủ yếu vào sản xuất dầu mỏ. Ngoài ra, Ăng-gô-la cũng sở hữu nhiều mỏ vàng, kim cương, sắt, phốt phát, bôxít và uranium.GDP của Ăng-gô-la tăng mạnh từ 3,8% trong năm 2011 lên hơn 8% trong năm 2012, và giảm xuống còn 3% trong năm 2016, chủ yếu là do tác động của việc giá dầu thế giới giảm.
Về trao đổi thương mại hàng hóa, những năm gần đây, kim ngạch XNK giữa hai nước giảm còn khoảng 50 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu khoảng 40 triệu USD và nhập khẩu khoảng 10 triệu USD (trước năm 2014, trao đổi thương mại đạt trên 100 triệu USD); nguyên nhân là xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam sang Ăng-gô-la bị giảm sút do phải cạnh tranh gay gắt.
Nguồn: Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á