Tham dự buổi tiếp, về phía Nhật Bản có các cán bộ của Văn phòng nội các và đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội; về phía Việt Nam có đại diện Lãnh đạo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam trong những năm qua trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời chia sẻ một số vấn đề phía Việt Nam còn vướng mắc như: nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của các nhà sản xuất, về tầm quan trọng của mối quan hệ tương hỗ không thể tách rời giữa sản xuất và tiêu dùng; vị trí, vai trò của cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế; thách thức trong công tác bảo vệ người tiêu dùng trong thời đại kinh tế số, v.v… Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh mong muốn Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện rà soát, sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho phù hợp với sự phát triển của thị trường, đồng thời nêu ra triển vọng về việc ký kết MOU giữa Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản, triển vọng đàm phán sâu hơn về nội dung bảo vệ người tiêu dùng trong hiệp định CPTPP, v.v…
Bộ trưởng Fukui Teru, với vị trí là người chịu trách nhiệm cao nhất trong hệ thống tổ chức các cơ quan hữu quan của Nhật Bản về các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, ghi nhận và bày tỏ ý kiến về những khó khăn của phía Việt Nam trong việc thực thi pháp luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng. Bộ trưởng Fukui Teru cam kết phía Nhật Bản sẽ chia sẻ cũng như mong muốn trao đổi thêm với phía Việt Nam những kinh nghiệm trong việc xây dựng bộ máy, phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước của hai nước trong lĩnh vực này.
Kết thúc buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Bộ trưởng Fukui Teru đều bày tỏ sự tin tưởng rằng quan hệ hợp tác thương mại và công nghiệp nói chung, cũng như những hợp tác cụ thể trong lĩnh vực cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng nói riêng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian sắp tới sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, tiếp tục góp phần quan trọng vào sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ toàn diện giữa hai nước.

Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2017, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư, đối tác đầu tư lớn thứ hai và là nhà cung cấp vốn ODA lớn nhất cho Việt Nam. Việc Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên được ký kết vào tháng 3 năm 2018 tại Chile hứa hẹn đem lại triển vọng hợp tác ngày càng tốt đẹp trong quan hệ thương mại song phương thời gian tới.

 

Nguồn: Vụ thị trường châu Á- châu Phi