“Công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn được kiểm tra xử lý, nhưng tình hình buôn bán hàng giả chưa xóa bỏ triệt để; các đối tượng kinh doanh hàng hóa có chứng từ, hàng thật xen lẫn với hàng nhập lậu... gây khó khăn cho công tác kiểm tra”...
Đây là đánh giá của ông Nguyễn Văn Bách - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018 vừa diễn ra ngày 28/12.
Những con số biết nói
Theo báo cáo của QLTT TP. Hồ Chí Minh, năm 2017, lực lượng này đã thực hiện kiểm tra chuyên ngành và tham gia liên ngành với tổng số 21.415 vụ, (tăng 59,31% so với năm 2016) trong đó có 7.892 vụ vi phạm.
Trong đó, về kiểm tra chuyên ngành, lực lượng QLTT đã kiểm tra 6.191 vụ, tăng 8,42% so với năm 2016, phát hiện 5.654 vụ vi phạm với 7.559 hành vi vi phạm. Cụ thể: hàng cấm 813 hành vi; hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ 2.060 hành vi; vi phạm về hàng giả và sở hữu trí tuệ 841 hành vi; vi phạm trong lĩnh vực giá và đầu cơ găm hàng 288 hành vi…
Số vụ đã bị xử lý lên tới 5.158 vụ, với số tiền thu nộp ngân sách đạt 118,840 tỷ đồng. Số hàng hóa bị tiêu hủy có tổng giá trị 111,705 tỷ đồng (tăng 237,36% so với năm 2016). Trị giá hàng tịch thu chờ bán hơn 49 tỷ đồng.
Trong phối hợp kiểm tra liên ngành, lực lượng QLTT đã phối hợp kiểm tra 15.224 vụ, tăng 7.492 vụ so với năm 2016, qua đó phát hiện 2.238 vụ vi phạm. Trong đó, liên ngành xăng dầu và gas đã kiểm tra 289 cửa hàng, phát hiện 7 cửa hàng kinh doanh gas vi phạm không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, không niêm yết thông báo phát hành hoá đơn, không đăng ký khai trình sử dụng lao động, không niêm yết giá.
Về liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm quận, huyện, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.864 vụ, phát hiện 497 vụ vi phạm chế biến thực phẩm không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Trong đó kiểm tra 145 điểm kinh doanh bánh trung thu, có 43 điểm vi phạm không khám sức khỏe cho người lao động, không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tiêu hủy 7.128 đơn vị sản phẩm các loại (đậu hũ, trứng, bột mì, bột ngọt, phụ gia thực phẩm, da bì heo…) và 788 cái bánh trung thu không rõ nguồn gốc, không đăng ký công bố tiêu chuẩn chất lượng.
Đó chỉ là một vài con số thống kê tiêu biểu mà lực lượng QLTT đã thực hiện trong năm qua. Những con số đó phản ánh rất rõ hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hay vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn đang hết sức nhức nhối.
Muôn vàn thủ đoạn tinh vi
Nhận định cụ thể về công tác QLTT năm 2017, ông Bách chia sẻ, năm 2017, Chi cục QLTT thành phố đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời thực hiện các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung tại các khu vực địa bàn trọng điểm, các nhóm hàng hóa trọng điểm; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường, tạo môi trường cho tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, không nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa được đẩy lùi.
Tiêu biểu như, tình hình vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ Tây Ninh, Long An đi qua địa bàn giáp ranh để vận chuyển về các quận nội thành TP. Hồ Chí Minh, đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận tiêu thụ vẫn còn diễn biến phức tạp.
“Phương thức hoạt động của các đối tượng là ngụy trang cất giấu trong các bao tải, cốp xe, thùng hàng... phương tiện vận chuyển chủ yếu là xe gắn máy hai bánh, xoáy nòng, đôn dên, thiết kế bình xăng, yên xe để cất giấu thuốc lá; thường thay đổi thời gian, vận chuyển thông qua xe tải, xe khách; sử dụng xe du lịch loại 4 chỗ, 7 chỗ, 16 chỗ tập kết tại các địa bàn giáp biên giới để vận chuyển với số lượng lớn, trong quá trình vận chuyển thay đổi biển số xe để tránh việc kiểm tra khi bị theo dõi hoặc có tin tố giác từ điểm tập kết”- ông Bách cho hay.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ luôn được các đội QLTT thường xuyên kiểm tra xử lý, nhưng tình hình buôn bán hàng giả (phần lớn là hàng tiêu dùng và hàng thời trang) chưa xóa bỏ triệt để.
Đại diện QLTT thành phố phân tích, các đối tượng kinh doanh hàng hóa có chứng từ, hàng thật xen lẫn với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa thiếu thông tin trên nhãn hàng hóa, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa vẫn còn xảy ra tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, khu vực xung quanh các khu công nghiệp, khu chế xuất, các tuyến đường phố...
Dự báo tình hình trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do buôn bán hàng giả có lợi nhuận cao, người tiêu dùng thích sử dụng hàng có gắn thương hiệu nổi tiếng, giá rẻ.
“Hàng giả lại đa dạng mẫu mã, bán giá không cao, chất lượng tạm được, thời gian sử dụng ngắn. Các mặt hàng giả phổ biến là đồng hồ, mắt kính, túi xách, quần áo, giày dép, hàng tiêu dùng... nhái theo các nhãn hiệu nước ngoài nổi tiếng” – lãnh đạo Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
2018 - Năm của hành động
Trước diễn biến thị trường ngày càng phức tạp, năm 2018, lực lượng QLTT thành phố sẽ quyết liệt hành động, thực hiện hàng loạt giải pháp mang tính đồng bộ. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương rõ hơn vấn đề này, ông Phan Hoàn Kiếm - Chi Cục trưởng Chi Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trong thời gian từ nay đến sau Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT tiếp tục thực hiện quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; và kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thuốc lá điếu nhập lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
“Trong quý 1/2018, sẽ thực nghiêm và dứt điểm các vụ việc tồn đọng về thu tiền phạt vi phạm hành chính, tiền thu lợi bất hợp pháp, bán đấu giá hàng hóa tịch thu để nộp vào ngân sách nhà nước, tiêu hủy hàng hóa không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường. Đồng thời phối hợp với Công an thành phố, Viện kiểm sát nhân dân thành phố để có giải pháp xử lý các vụ việc còn tồn đọng tang vật, phương tiện vi phạm tại kho Chi cục QLTT” -ông Phan Hoàn Kiếm cho hay.
Đồng thời, lực lượng QLTT nơi đây sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, tiếp tục rà soát, phân loại, bổ sung danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh nhóm hàng hóa, như: hàng may mặc, rượu, bia, nước giải khát, mứt, bánh, kẹo, thuốc lá điếu, xăng dầu, mỹ phẩm, các sản phẩm hàng hóa thuộc hàng hóa cấm nhập khẩu… Từ đó, có kế hoạch theo dõi, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vận chuyển, chứa trữ buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Quan trọng không kém, TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh phối hợp với QLTT các tỉnh phía Nam và giáp ranh trong công tác đấu tranh chống vận chuyển hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt là đối với mặt hàng thuốc lá nhập lậu. Song song với đó sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân không tham gia, không tiếp tay buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng; đồng thời tham gia phát hiện, thông tin, tố giác cho các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật.
Nguồn: Baocongthuong.com.vn