Ngày 21/10 tới đây sẽ tiến hành đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương. Đây là ca thí điểm đầu tiên của Bộ Giao thông Vận tải nhằm cổ phần hóa các đơn vị công lập.

Bản công bố thông tin của đơn vị này cũng đã khẳng định chắc chắn, nhà đầu tư chiến lược của Bệnh viên Giao thông Vận tải theo phê duyệt chỉ có duy nhất CTCP Tập đoàn T&T của "bầu" Hiển.

Mức giá hấp dẫn?

Mức giá được đưa ra cho một cổ phần của bệnh viện đúng bằng mệnh giá: 10.000 đồng/cổ phần. Có thể nói mức giá này khá hấp dẫn khi Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương được đánh giá là đơn vị hành chính sự nghiệp có thu và là bệnh viện công lập hàng đầu của ngành giao thông vận tải, cơ sở vật chất được đầu tư mới, hiện đại.

Theo định giá đến thời điểm ngày 26/12/2014, tổng giá trị thực tế của doanh nghiệp được xác định là 158,5 tỷ đồng. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại đây là 136,5 tỷ đồng.

Không phải ngẫu nhiên mà phần phương án cổ phần hóa của Bệnh viện GTVT lại dành nguyên một mục lớn để nói về hiện trạng sử dụng đất đai của đơn vị.

Sổ sách kế toán của Bệnh viên đang ghi nhận giá trị tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất tại Ngõ 1194 đường Láng, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội với số tiền 227,6 tỷ đồng. Khu đất này bao gồm 19.414,6m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ có thời hạn sử dụng lâu dài với hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất và 1.876,8m2 đất nằm trong quy hoạch mở đường.

Tuy nhiên tháng 10/2014 vừa qua, Bộ GTVT đã quyết định bàn giao khu đất có diện tích 307,8m2 hiện do Bệnh viện quản lý cho Trung tâm Giám định Y khoa – Cục Y tế GTVT. Do đó hiện Bệnh viện GTVT đang quản lý diện tích đất thực tế là 20.983,8 m2 tại Ngõ 1194 đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Khu đất 19.132m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ được Bệnh viện tiếp tục quản lý, sử dụng. Khu đất nằm trong quy hoạch mở đường cũng được Bệnh viện sử dụng nguyên trạng và bàn giao theo quy định khu Nhà nước có chủ trương thu hồi.

Bên cạnh đó, hiện tại, bệnh viện GTVT đang trong quá trình triển khai thực hiện “Dự án tòa nhà Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương”. Dự án này có nguồn vốn do Chính phủ cấp từ vốn vay ODA giữa chính phủ Việt Nam và quỹ OPEC về phát triển quốc tế với tổng mức đầu tư 15 triệu USD, tương đương 322,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2014, giá trị xây dựng cơ bản dở dang của Dự án này được ghi nhận là 55 tỷ đồng. Phần giá trị đầu tư còn lại của dự án ước tính còn khoảng 267,5 tỷ đồng (ước theo tỷ giá 21.500 VND), phần này chưa tính toán đưa vào giá trị doanh nghiệp và giá trị phần vốn nhà nước khi cổ phần hóa do dự án chưa hoàn thành, chưa quyết toán.

Tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước không áp đảo

Thông tin tích cực hấp dẫn các nhà đầu tư tại đơn vị này có thể còn đến từ cơ cấu nắm giữ cổ phần sau cổ phần hóa.

Cụ thể, sau cổ phần hóa, Nhà nước chỉ nắm giữ 30% vốn điều lệ để đảm bảo sự ổn định và kế thừa của Bệnh viện. Số cổ phần này không mang tính quyết định trong những vấn đề của doanh nghiệp.

Trong khi đó, số cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược cũng lên đến 30%. Và với giá 10.000 đồng/cổ phần, trên thực tế T&T chỉ cần bỏ ra hơn 50,4 tỷ đồng để đầu tư ban đầu vào bệnh viện. Như vậy chỉ cần nắm giữ thêm một phần trong số cổ phần bán đấu giá công khai, nhà đầu tư chiến lược sẽ có lợi thế lớn hơn cả Nhà nước trong những quyết định quan trọng của đơn vị sau cổ phần hóa.

Mặc dù sau khi dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA nêu trên hoàn thành, phần giá trị đầu tư còn lại sẽ được tính vào giá trị phần vốn Nhà nước, nâng tỷ lệ sở hữu lên khoảng 73%. Tuy nhiên bản công bố thông tin cho biết phần vốn này sẽ tiếp tục bán để duy trì tỷ lệ nắm giữ khoảng 30% tại Bệnh viện GTVT.

Đáng lưu ý, “trong trường hợp Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa và các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn được Nhà đầu tư chiến lược có năng lực tốt, có cam kết và chiến lược cụ thể, rõ ràng về việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và phát triển Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương theo hướng tiên tiến hiện đại; đồng thời Nhà đầu tư chiến lược có đề xuất về việc mua thêm cổ phần. Bệnh viện kiến nghị Chính phủ cho phép giảm số cổ phần bán đấu giá công khai và tăng cổ phần bán cho Nhà đầu tư chiến lược ở mức tối đa bằng 51% vốn điều lệ”.

Trước đó, để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho bệnh viện, Bộ GTVT đã đưa ra khá nhiều điều kiện gắt gao nên không có nhiều tổ chức đạt được yêu cầu. Tập đoàn T&T là cái tên duy nhất được thông qua để mua lại số cổ phần lớn của Bệnh viện này.

Như vậy tỷ lệ nắm giữ của T&T tại đây có thể không chỉ dừng ở mức 30% mà có thể vượt mức 50% để hoàn toàn chi phối doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, T&T luôn gây chú ý khi có những quyết định đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như cảng biển, cảng hàng không, nhà ga, công ty nông nghiệp và bây giờ là lĩnh vực y tế. Mặc dù những “đích nhắm” của “bầu” Hiển đều có nhiều lợi thế về quỹ đất song với việc tham gia liên tục vào nhiều lĩnh vực mới có thể thấy chiến lược mở rộng lĩnh vực và quy mô đầy “tham vọng” của đại gia này.

Theo Nguyên Minh
Bizlive

Nguồn: Bizlive