Nới lỏng các quy định về quản trị doanh nghiệp
Tại tọa đàm về quản trị công ty diễn ra bên lề lễ trao giải cuộc bình chọn báo cáo thường niên 2015 do Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức hôm 26-6, ông Phan Đức Hiếu thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) chỉ thiết lập những chuẩn mực tối thiểu về quản trị doanh nghiệp và tập trung vào việc đưa ra các quy định để bảo vệ cổ đông thiểu số. Cụ thể, luật này có một số điểm mới liên quan đến các công ty cổ phần, trong đó có hai nội dung chính.
Thứ nhất là bảo vệ cổ đông thiểu số. Luật Doanh nghiệp mới quy định cổ đông có nhiều quyền hơn trong việc tiếp cận thông tin của công ty và luật cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cổ đông kiện lãnh đạo công ty, liên quan đến trách nhiệm của họ (nếu thắng kiện, cổ đông được công ty bồi hoàn chi phí đi kiện - PV). Về mức độ bảo vệ cổ đông, hiện Việt Nam chỉ xếp ở vị trí 116/188 quốc gia, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tức rất yếu, ông Hiếu cho biết thêm.
Thứ hai, ngược lại, với các chỉ số khác về quản trị doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lại nới lỏng hơn. Chẳng hạn như, luật mới cho công ty cổ phần thêm lựa chọn mô hình quản trị công ty (như mô hình đơn hội đồng quản trị, hay đa hội đồng, tức có ban kiểm soát hoặc không), và mở rộng linh hoạt hơn trong việc ra quyết định trong doanh nghiệp (tỷ lệ biểu quyết được chấp nhận để thông qua quyết định của công ty là 51% cho lần thứ nhất, thay vì 65% như hiện nay - PV).
Theo ông Hiếu, sở dĩ có sự nới lỏng này, vì Luật Doanh nghiệp mới được xây dựng để áp dụng cho toàn bộ 70.000-80.000 công ty cổ phần, chứ không phải chỉ riêng cho những công ty niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo đó, luật mới chỉ thiết lập nguyên tắc tối thiểu về quản trị doanh nghiệp, và tập trung vào những nội dung làm sao để doanh nghiệp không có những vi phạm ảnh hưởng xấu đến cổ đông.
Do đó, theo ông Hiếu, nếu chỉ thực hiện hình thức, sao cho đúng quy định thì quản trị của doanh nghiệp chỉ ở mức yếu kém, và sẽ đi xuống trong năm nay.
“Tôi đã đọc điều lệ của nhiều công ty, có nhiều nội dung họ sao chép một cách không thương tiếc quy định của Luật Doanh nghiệp. Mục tiêu quản trị của họ ở mức rất thấp vì chỉ để đảm bảo đủ bộ hồ sơ khi đăng ký. Không nên quản trị công ty theo kiểu chỉ để cho đúng theo quy định. Các công ty nên quản trị doanh nghiệp với trái tim và với mục tiêu duy nhất là vì lợi ích của chúng ta thay vì chỉ để tuân thủ luật”, ông Hiếu nói.
Chất lượng quản trị doanh nghiệp ít cải thiện
Theo bà Nguyễn Thu Hiền, Giám đốc Chương trình Maastricht MBA (Đại học Bách Khoa TPHCM), báo cáo thẻ điểm quản trị công ty ASEAN Scorecard do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thực hiện cho thấy trong suốt ba năm qua chất lượng quản trị của doanh nghiệp Việt Nam có thay đổi nhưng không nhiều.
Cụ thể, từ năm 2012-2014, thẻ điểm quản trị của doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện hơn so với chính mình, với mức điểm trung bình tăng từ khoảng 28% lên 34% trong giai đoạn này. Trong khi đó, chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp một số nước ASEAN đã cải thiện nhiều trong thời gian này, có một số nước đạt đến 70-80% (như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia), cho thấy khoảng cách lớn giữa Việt Nam so với một số nước trong khu vực trong việc quản trị doanh nghiệp.
Thẻ điểm được lập trên cơ sở khảo sát 100 công ty lớn niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Số doanh nghiệp này tính chung đại diện cho hơn 80% tổng giá trị vốn hóa của thị trường Việt Nam.
Bà Hiền cho biết luật pháp Việt Nam không khác biệt nhiều so với các nước ASEAN, nhưng trình độ phát triển của doanh nghiệp một số nước ASEAN lại cao hơn Việt Nam.
Trong khi đó, theo ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, về quản trị công ty, về cơ bản khung pháp lý của Việt Nam đã đầy đủ, nhưng có nhiều doanh nghiệp đáp ứng như cái máy, mà chưa thực sự nghĩ rằng đây là những chuẩn mực mà chúng ta phải làm để cải thiện hoạt động của công ty, quản trị hiệu quả để thu hút nhà đầu tư.
Gần đây Việt Nam có cải thiện về pháp lý, như đưa ra tiêu chuẩn để làm thành viên độc lập trong hội đồng quản trị (HĐQT). Tuy nhiên, ông Điền cho biết ông phát hiện ra rằng trong nhiều công ty, người thực sự điều hành chưa chắc thuộc HĐQT, có khi chỉ là một thành viên HĐQT nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của HĐQT.
“Tại Việt Nam, ảnh hưởng của cổ đông lớn đến cơ cấu tổ chức và hiệu quả quản trị của công ty là rất lớn”, ông Điền cho biết.
Liên quan đến ảnh hưởng của cổ đông lớn, một ý kiến tại tọa đàm hôm 26-6 nêu ra: luật vẫn có những hạn chế nhất định; chẳng hạn như quy định về thành viên quản trị độc lập phải do cổ đông lớn đề cử. “Thành viên HĐQT là độc lập, nhưng được đề cử bởi cổ đông lớn, vậy có thực sự là độc lập hay không?”, ông này đặt vấn đề, và cho biết thêm hiện ở Việt Nam, vốn đầu tư của nhà nước rất lớn, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có tỉ lệ sở hữu lớn tại các công ty niêm yết tại Việt Nam, như Vinamilk, Dược Hậu Giang... do đó quản trị của các công ty này bị điều phối bởi SCIC.
Theo bà Lâm Quỳnh Anh, chuyên viên tư vấn, Công ty Luật Mayer Brown JSM, về ưu điểm, nhìn chung, Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp năm 2014 đã đưa vào một số những quy định mang tính đột phá và có thể nói là thay đổi cơ bản về chất, hứa hẹn sẽ tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng và minh bạch hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng có thể có một số quan ngại nhất định đối với một số quy định chưa được rõ ràng và thống nhất ở cả hai bộ luật. Chẳng hạn, định nghĩa về “người có liên quan” theo Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật các tổ chức tín dụng hiện hành là không hoàn toàn nhất quán, có thể dẫn đến những rắc rối không đáng có trong việc áp dụng luật đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thông thường.
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) được xác định trên tỷ lệ sở hữu vốn có quyền biểu quyết. Trong khi đó việc xác định tỷ lệ sở hữu của NĐTNN theo Luật Đầu tư 2014 lại căn cứ trên vốn điều lệ. Mặc dù theo nguyên tắc áp dụng luật thì hoạt động đầu tư trước hết phải tuân thủ pháp luật về đầu tư, việc không thống nhất này có thể dẫn đến các cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các cơ quan cấp phép về sau.
Một vấn đề nữa liên quan đến Luật Đầu tư 2014 đó là luật đã bỏ ngỏ không điều chỉnh một thực tế khá phổ biến hiện nay là thủ tục chuyển vốn vay thành vốn chủ sở hữu. Nghĩa là khi cá nhân, tổ chức nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam vay, họ có nhu cầu chính đáng là khi đáo hạn có quyền hoặc là được thanh toán khoản vay hoặc là được chuyển đổi khoản vay đó thành vốn trong doanh nghiệp. Do hiện chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, để an toàn, NĐTNN phải tiến hành hai bước, tất toán khoản vay ra nước ngoài và chuyển vốn đầu tư trở lại Việt Nam, gây tốn kém về thời gian và chi phí.
“Cuối cùng, kinh nghiệm chúng tôi cho thấy điều đáng quan ngại thực sự lại không nằm ở bản thân quy định pháp luật mà nằm ở các quy định hướng dẫn thi hành, và khâu thực thi, đặc biệt là trong giai đoạn đầu luật mới đi vào hiệu lực”, bà Quỳnh Anh nói.