Chiều nay (21/8), Công ty Cổ phần Cơ Điện lạnh (MCK: REE) tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư tại Sở GDCK TPHCM.

Nới room là tiền đề quan trọng huy động vốn

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc REE đánh giá cao việc nới room, là tiền để quan trọng cho việc huy động vốn. Đối với REE, công ty hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: hạ tầng điện nước, cơ điện lạnh và bất động sản. Trước mắt, REE phải chờ Thông tư hướng dẫn các ngành nghề được nới room và có văn bản gửi tới các cấp quản lý để xem xét ngành nghề.

Bà Mai Thanh nhấn mạnh, nới room là tiền đề quan trọng để huy động vốn cho các dự án mà REE đang và sẽ thực hiện. Trước mắt, trong năm nay, REE chưa có kế hoạch cụ thể cho việc nới room. Tuy nhiên, trong quý III/2015, khi có Thông tư hướng dẫn cụ thể, REE sẽ họp HĐQT để thảo luận vấn đề này.

Được biết, trong tháng 9/2015, REE sẽ khởi công văn phòng mới ở số 1 Trần Văn Bơ. Tổng diện tích sàn 35.000 m2, dự kiến quý I/2017 hoàn thành và đi vào khai thác.

Đối với các khoản đầu tư của REE vào ngành than, bà Thanh cho biết 3 khả năng sẽ tiếp tục giữ, tăng sở hữu hoặc bán lại cho cổ đông Nhà nước. Theo bà Thanh, các công ty than không sở hữu mỏ, chỉ khai thác và thừa hưởng giá nhân công, vốn điều lệ giao động từ 120 -300 tỷ đồng, doanh thu hàng năm từ 1.000 - 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận 3%/doanh thu, do đó có nhiều biến động.

Khi đầu tư vào ngành than, REE kỳ vọng Nhà nước sẽ giao mỏ cho các công ty than quản lý trực tiếp, nhưng đến hiện tại chưa có hé mở gì về chuyện này. Do đó, REE sẽ tính tới 3 khả năng trên.

Chênh lệch tỷ giá cần đưa vào năm tài chính

Đánh giá về biến động tỷ giá, bà Mai Thanh cho rằng có ảnh hưởng rất lớn đến các công ty khi gần đây nhất, NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1%, trước đó là 2%. Chủ tịch REE cho rằng chính sách này tạo thế bất lợi nhiều hơn là có lợi.  Nếu Việt Nam không có hướng điều chỉnh linh hoạt, nền kinh tế không thích ứng được thì sẽ ảnh hưởng xấu đến kinh tế quốc gia và doanh nghiệp, khi gánh nặng nợ công còn hiện hữu.

Đối với tình hình của REE, Chủ tịch HĐQT cho rằng nhiều dự án mà Công ty đầu tư có chênh lệch về tỷ giá, ví dụ Nhiệt điện Phả Lại hoặc Nhiệt điện Quảng Ninh. Đối với Nhiệt điện Phả Lại, công ty có ảnh hưởng tỷ giá với đồng Yên Nhật, khi đồng Yên Nhật mất giá, PPC phải trích lập dự phòng khoảng 3.000 tỷ đồng. Năm vừa qua, PPC lại lãi tỷ giá, tuy nhiên không chia được cho cổ đông mà phải đóng thuế cho Nhà nước. 

Trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá chưa ảnh hưởng nhiều tới PPC nhưng sang tháng 7 đã bị ảnh hưởng. Đối với Nhiệt điện Quảng Ninh, 80% là vay vốn nước ngoài nên chắc chắn bị ảnh hưởng bởi tỷ giá.


Bà Thanh cũng nêu lên một vấn đề đối với các công ty phát điện, đó là chênh lệch tỷ giá trong năm tài chính chưa được đưa vào giá điện, vẫn phải hạch toán sau giá thành và chờ quyết định của Bộ Công thương trong từng thời kỳ. Do đó, bà Thanh cho rằng cần đưa chênh lệch tỷ giá vào năm tài chính.

Đồng thời, bà Thanh cũng nêu ra 3 lý do mà REE đầu tư vào PPC. Thứ nhất, PPC có nhiều điểm có thể cải thiện để bổ sung lợi nhuận. Thứ hai, REE đầu tư trung bình 10.000 đồng/cổ phiếu PPC, trong khi mỗi năm được chia 15 - 25% cổ tức. Thứ ba, PPC có lượng tiền mặt tốt, nếu ngân hàng tăng lãi suất thì thu nhập tiền gửi sẽ không nhỏ.


Khổng Chiêm