Habeco có cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Tính đến ngày 15/4/2015, cổ đông nhà nước sở hữu 81,8% vốn điều lệ của công ty. Cổ đông chiến lược Tập đoàn Carlsberg nắm giữ 17,5% cổ phần. Ngoài ra 671 cổ đông khác chỉ nắm giữ 1,66 triệu cổ phiếu, tương đương 0,72%.
Vẫn bỏ ngỏ kế hoạch tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông chiến lược Carlsberg
Từ năm 2012, Habeco đã lên kế hoạch tổ chức ĐHCĐ bất thường xin ý kiến về việc bán 13% cổ phần từ cổ đông Nhà nước (Bộ Công thương) cho Tập đoàn Carlsberg Breweries A/S để tập đoàn này tăng tỷ lệ sở hữu từ 17,23% lên 30,23%. Tuy nhiên, phiên họp đã bị hoãn do chưa chuẩn bị đầy đủ và được thông báo trước chưa đến 1 ngày. Từ đó đến nay, phiên họp bất thường đó chưa được nhắc lại lần nào, và theo thông tin trên báo chí thì việc tăng tỷ lệ sở hữu cho cổ đông này phải cân nhắc kỹ càng.
Ông Nguyễn Hồng Linh – Tổng giám đốc Habeco nói, việc này vẫn theo “bản thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký trước đây giữa 2 bên Habeco - Carlsberg” và 2 bên vẫn hợp tác thuận lợi trong các kế hoạch kinh doanh tại Tổng công ty này với tỷ lệ sở hữu của Carlsberg như hiện tại.
Chia sẻ với chúng tôi, một lãnh đạo của Habeco cho biết, việc bán cổ phần của nhà nước cho cổ đông chiến lược vẫn đang được Bộ công thương chỉ đạo xây dựng phương án. Vướng mắc ở đây chính là bản thỏa thuận giữa 2 bên mà theo đó, đối tác muốn những lợi ích lớn hơn các cổ đông khác và có một số điều không phù hợp với luật pháp Việt Nam.
Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo Habeco thực hiện lên kế hoạch bán cổ phần nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ với giá bán đề xuất là 50.015 đồng – giá đấu thành công khi IPO lần đầu nhưng chưa có đối tác cụ thể.
Nhắc đến việc xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý của mảnh đất 183 Hoàng Hoa Thám, ông Nguyễn Hồng Linh trả lời cổ đông rằng, việc này hiện vẫn đang tiếp tục theo dõi sát và chưa có gì mới.
Năm 2014 trả cổ tức tỷ lệ 18%
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Hải Hồ – Phó Tổng giám đốc của Habeco đánh giá, trong năm 2014 vừa qua, thị trường bia đã có sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt tại Quảng Ninh và khu vực miền Trung. Bên cạnh tập trung giữ thị phần trong nước, Habeco hiện đang triển khai xuất khẩu chủ yếu tại các thị trường Đài Loan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, mở rộng sang châu Âu..
Trong năm, Habeco đã đưa vào hoạt động dự án Nhà máy bia Hà Nội – Quảng Trị, Dự án sản xuất nước tinh lọc, Dự án máy dán nhãn, Dự án di dời cơ sở sản xuất số 1 tại Công ty bia Hà Nội – Hải Phòng.
Các dự án chuyển tiếp gồm DA đầu tư dây chuyền chiết lon (công suất 60.000 lon/giờ) và DA đầu tư hệ thống Pilot tại nhà máy bia Mê Linh; DA đầu tư dây chuyền chiết keg công suất 240 keg/giờ tại 183 Hoàng Hoa Thám dự kiến sẽ được triển khai đúng tiến độ để đi vào hoạt động trong năm 2015.
Với những biện pháp thực thi trong năm 2014, Habeco tiêu thụ gần 500 triệu lít bia - tăng 2,8% so với năm 2013 và hoàn thành 99,3% kế hoạch. Riêng công ty mẹ Habeco, doanh thu đạt mức 7.104 tỷ đồng, tăng gần 6% so với năm 2013 và vượt 0,82% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế 968 tỷ đồng - tăng 21% và vượt 14% kế hoạch.
Theo đó, tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ (ROE) của công ty mẹ Habeco đạt 41,76%.
Với 14/16 công ty con báo lãi, lãi ròng hợp nhất của Habeco đạt hơn 1.100 tỷ đồng, vượt 32,46% so với kế hoạch đề ra. Trong năm, Habeco có 2 công ty con thua lỗ, chủ yếu do các công ty này vừa hoàn thành dự án đầu tư xây dựng cơ bản đưa vào sử dụng.
Theo tờ trình, HĐQT dự kiến chia cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 18%.
Tiếp tục thận trọng trong năm 2015
Về kế hoạch kinh doanh năm 2015, Habeco đặt ra mục tiêu khá thận trọng với sản lượng tiêu thụ 508 triệu lít – tăng 1,71% so với năm 2014 và doanh thu 7.489 tỷ đồng – tăng 5,42%; lợi nhuận sau thuế dự kiến (công ty mẹ) là 911,4 tỷ - bằng 94,16% so với năm 2014. Cổ tức dự kiến là 20%.
Mức lợi nhuận này giảm so với con số của năm 2014 nhưng nếu loại trừ thu nhập bất thường của năm 2014 thì lợi nhuận tăng khoảng 7,64%.
Dự kiến trong năm 2015, Habeco sẽ khởi công một số dự án mới như DA đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại 183 Hoàng Hoa Thám, DA đầu tư thay thế nhãn chai bia Hà Nội Premium và bia Trúc Bạch tại nhà máy Mê Linh, DA đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm tại CTCP Bia Hà Nội – Quảng Bình; DA đầu tư nâng công suất 25 triệu lít/năm lên 50 triệu lít/năm tại CTCP Habeco Hải Phòng.
Habeco cũng có kế hoạch thoái vốn khỏi CTCP nguồn nhân lực miền Trung.
Tại ĐHCĐ, HĐQT trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT là ông Nguyễn Tuấn Phong – Chủ tịch HĐQT của Habeco do đến tuổi về hưu.